Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần

Bệnh tay chân miệng  (TCM) hiện nay là bệnh rất dễ mắc nhất là trẻ dưới 3 tuổi, gây nhiều tác hại đến đến sức khỏe của trẻ, nhất là những trường hợp mắc bệnh TCM do virút EV71. Một trong những thắc mắc mà phụ huynh cũng rất quan tâm đó là trẻ đã bị mắc bệnh TCM rồi có bị tái nhiễm nữa không? Những lần mắc bệnh sau có nghiêm trọng hơn lần trước không?

Có thể bị tái nhiễm nhiều lần

Theo các bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm tại các bệnh viện tuyến chuyên khoa, trẻ có thể bị mắc bệnh TCM lần thứ 2, lần thứ 3, thậm chí lần thứ 4 hoặc nhiều hơn vì những lý do như sau:

- Trẻ em và người lớn sau khi bị nhiễm virút gây bệnh TCM, dù có biểu hiện lâm sàng hay không có triệu chứng lâm sàng thì người bệnh ít nhiều vẫn có thể có kháng thể chống lại virút, nhất là virút EV71. Tuy nhiên, lượng kháng thể này không nhiều và không bền vững theo thời gian nên không đủ để bảo vệ trẻ khi có sự lây nhiễm kế tiếp khi trẻ tiếp xúc với nguồn lây.

- Ngoài hai chủng virút gây bệnh TCM phổ biến ở trẻ em Việt Nam hiện nay là virút EV71 và chủng virút Coxsackie A16 còn có hơn 10 chủng virút thuộc nhóm virút đường ruột (còn gọi là Enterovirus) có thể gây bệnh TCM cho trẻ. Đây chính là lý do trẻ có thể bị mắc bệnh TCM nhiều lần.

- Khi trẻ bị nhiễm bệnh TCM do một chủng virút nào đó, trẻ chỉ có kháng thể chống lại loại virút mà trẻ vừa bị nhiễm. Hoàn toàn không có tình trạng miễn nhiễm chéo giữa các chủng virút gây bệnh TCM ở trẻ.

Trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần 1


Mức độ nghiêm trọng ở những lần mắc bệnh tiếp theo

Hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều của các bậc phụ huynh về mức độ nghiêm trọng của những lần tái nhiễm bệnh TCM tiếp theo, có ý kiến cho rằng trẻ mắc bệnh TCM lần sau thường bị nhẹ hơn so với lần mắc bệnh trước đây vì trẻ đã mắc bệnh ít nhiều sẽ có kháng thể giúp tiêu diệt mầm bệnh nếu bị nhiễm lần tiếp theo. Nhiều phụ huynh khác lại cho rằng trẻ bị mắc bệnh TCM lần sau thường bệnh nặng hoặc nghiêm trọng hơn lần trước vì cơ thể trẻ quá yếu nên mới bị tái nhiễm bệnh TCM nhiều lần. Tất cả những ý kiến trên đều chưa có bằng chứng khoa học để xác nhận. Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ từ Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết: thách thức lớn nhất hiện nay đối với giới chuyên môn là vẫn chưa xác định chính xác về độc tính của chủng virút EV71, về sự tương quan giữa chủng virút E71 và các chủng virút khác gây bệnh TCM cho con người với mức độ nghiêm trọng của bệnh, cần tiếp tục thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học sâu hơn, trong đó nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và các nước trong khu vực trong cuộc chiến đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm này.

Theo kinh nghiệm thực tế của các bác sĩ lâm sàng trực tiếp tham gia công tác điều trị bệnh TCM tại những bệnh viện tuyến chuyên khoa, mức độ nghiêm trọng của bệnh TCM thường phụ thuộc vào những yếu tố sau đây:

- Chủng virút gây bệnh TCM mà trẻ bị nhiễm. Thông thường chủng virút EV71 đang được xem là chủng virút rất nguy hiểm đối với bệnh nhi, nhiễm chủng virút này bệnh nhân dễ xảy ra các biến chứng nặng dẫn đến tử vong. Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho biết thêm, số trường hợp tử vong chủ yếu là do virút EV71, cụ thể trong năm 2013 100% trường hợp tử vong của bệnh TCM đều do virút EV71.

- Trẻ càng nhỏ tuổi khi bị nhiễm bệnh TCM càng dễ bị bệnh nặng, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 3 tuổi, nhóm tuổi có sức đề kháng kém nhất, tử vong do bệnh TCM của nhóm trẻ dưới 3 tuổi chiếm tới 75 - 86% trong 3 năm qua.

- Những bệnh nhân có cơ địa miễn dịch yếu kém như trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng, trẻ bị hội chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải (trẻ bị nhiễm HIV/AIDS), trẻ đang được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch liên tục và kéo dài… Những trẻ này không may bị nhiễm bệnh TCM có nhiều khả năng trẻ sẽ mắc bệnh nặng và nhiều biến chứng.

Phụ huynh cần ghi nhớ trước đây triệu chứng bệnh thường biểu hiện rõ là những mụn nước, bọng nước ở lòng bàn tay, bàn chân và niêm mạc miệng, hiện nay nhiều trẻ bị bệnh không bộc lộ rõ triệu chứng, thậm chí khi xét nghiệm mới phát hiện trẻ mắc bệnh TCM. Nhiều trường hợp virút gây bệnh đã tấn công vào não bộ, hoặc virút đã gây biến chứng tại các cơ quan như hô hấp, tuần hoàn nhưng vẫn không có biểu hiện đặc trưng của bệnh.

ThS.BS. ĐINH THẠC

Có nên dùng váng sữa thay cho bú mẹ?

Váng sữa không thể thay thế sữa và nhất là sữa mẹ vì nó không chứa đủ các chất dinh dưỡng như trong sữa mẹ, đặc biệt là hàm lượng đạm trong váng sữa thấp.

Váng sữa là gì ?

Trước đây, váng sữa được chế biến bằng cách vớt phần trên cùng của sữa và cho làm lạnh. Ngày nay, nhà sản xuất sử dụng máy ly tâm để tách phần trên cùng của sữa, đó chính là váng sữa. Tùy thuộc vào cách chế biến sẽ có nhiều loại váng sữa khác nhau. Ngoài ra, còn có váng sữa nhân tạo được chế biến từ các loại dầu thực vật (dầu dừa, dầu cọ, …), bổ sung thêm casein (đạm sữa bò) và đường lactose (loại đường có trong sữa bò).

Váng sữa không thể thay thế sữa và nhất là sữa mẹ

Quan sát nhãn ghi trên hộp váng sữa, chúng ta sẽ thấy thành phần chủ yếu của váng sữa là chất béo. Lượng chất béo trong 1 hũ váng sữa cao gấp đôi so với chất béo có trong 1 ly sữa thông thường của trẻ. Do đó, đây là nguồn cung cấp năng lượng rất cao. Tuy nhiên, chất đạm cùng vitamin và khoáng chất có trong váng sữa rất ít. Vì vậy, các bậc cha mẹ không nên dùng váng sữa để thay thế sữa cho trẻ.

Những trẻ nên dùng váng sữa

Váng sữa có thành phần chất béo cao, cung cấp nhiều năng lượng nên tốt cho những trẻ đang cần nhiều năng lượng: trẻ từ trên một tuổi bị thiếu cân, suy dinh dưỡng, trẻ mới ốm dậy. Với những trẻ này, các bà mẹ nên dùng váng sữa làm bữa ăn phụ cho trẻ.

Lượng váng sữa có thể cho trẻ ăn trong ngày phụ thuộc vào tuổi, cân nặng và loại váng sữa được mua. Trung bình, trẻ 6 - 12 tháng tuổi có thể ăn 1 hộp váng sữa/ngày, trẻ trên 1 tuổi: có thể ăn 1 - 2 hộp/ngày, tùy vào mức độ dung nạp của trẻ. Không nên cho trẻ ăn quá nhiều có thể gây đầy bụng, tiêu chảy do hàm lượng chất béo quá cao.

Những trẻ không nên dùng váng sữa

- Trẻ dưới 6 tháng tuổi.

- Trẻ bị thừa cân - béo phì.

- Trẻ đang bị tiêu chảy.

- Trẻ dị ứng với sữa bò.

Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cần cho trẻ dưới 6 tháng tuổi bú mẹ hoàn toàn. Vì vậy, chỉ nên cho trẻ ăn váng sữa sau 6 tháng tuổi nhằm bổ sung thêm năng lượng giúp trẻ tăng cân tốt hơn.

Nếu dùng váng sữa thay cho sữa mẹ trẻ sẽ bị thiếu chất đạm, dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu máu do thiếu các vi chất dinh dưỡng.

Những điều cần lưu ý

Váng sữa rất dễ bị hỏng nên cần được bảo quản trong tủ lạnh, nơi có nhiệt độ tương đối ổn định. Không nên để váng sữa ở bên cánh cửa tủ lạnh vì khi mở cửa tủ lạnh thường xuyên sẽ không giữ được nhiệt độ ổn định.

Sau khi mua, bạn nên sử dụng càng sớm càng tốt.

Chỉ nên mua váng sữa ở những đại lý có uy tín, có đủ điều kiện bảo quản tốt. Khi mua cần chú ý hạn sử dụng, thành phần ghi trên hộ

ThS.BS. LÊ THỊ HẢI

Bí quyết vệ sinh răng miệng khi nắn chỉnh răng

Ngày nay có nhiều trẻ em và người lớn có nhu cầu nắn chỉnh răng. Bên cạnh những kết quả tốt về thẩm mỹ, chức năng do nắn chỉnh răng mang lại, nếu chúng ta không để ý đến vấn đề vệ sinh răng miệng trong thời gian điều trị thì nhiều hậu quả xấu có thể xảy ra như sâu răng, viêm lợi. Tuy nhiên, những sự cố này có thể khắc phục được nếu vệ sinh răng miệng đúng cách.

Vì sao phải vệ sinh răng miệng khi nắn chỉnh răng?

Với hầu hết mọi người thì chải răng và dùng chỉ tơ đúng cách đã có thể giúp đảm bảo vệ sinh răng miệng, tuy nhiên, với bệnh nhân đang điều trị chỉnh nha cố định thì như thế vẫn chưa đủ. Thức ăn rất dễ bị mắc lại bên dưới dây cung, xung quanh các chun tại chỗ và vì vậy tạo điều kiện thuận lợi để hình thành mảng bám. Nếu mảng bám không được loại bỏ hoàn toàn khỏi bề mặt răng và xung quanh mắc cài, bệnh nhân sẽ có nguy cơ cao bị viêm lợi, sâu răng và hôi miệng. Vi khuẩn trong mảng bám hấp thu đường và chuyển hóa thành acid. Acid có thể kích thích lợi, gây sâu răng và hôi miệng. Do vậy, việc lấy sạch mảng bám thường xuyên là rất quan trọng. Có vậy, sau khi hoàn tất quá trình chỉnh nha, bề mặt răng bên dưới mắc cài mới được khỏe mạnh và bóng đẹp.

Trong quá trình nắn chỉnh răng cần vệ sinh răng miệng đúng cách.

Một số bí quyết vệ sinh răng miệng

Chải răng

: Bạn nên sử dụng bàn chải với lông bàn chải mềm vì nó dễ chui vào các góc và kẽ cũng như không gây tổn thương lợi. Không cần thiết phải dùng bàn chải máy nhưng nếu bạn có thì vẫn có thể sử dụng nó để chải trên mắc cài. Lưu ý không đập phần nhựa ở phía sau bàn chải vào phần cánh mắc cài vì nó có thể gây hại cho mắc cài. Ngoài ra, nên dùng ở tốc độ quay vừa phải để tránh làm hỏng hay rơi mắc cài. Tuy vậy, cách tốt nhất vẫn là dùng bàn chải tay thông thường vì chúng ta có thể kiểm soát được lực tốt hơn. Chải răng ít nhất 3 lần một ngày. Tốt nhất là chải răng sau tất cả các bữa ăn để đảm bảo không có thức ăn mắc lại xung quanh mắc cài. Nếu bạn không có điều kiện chải răng sau bữa trưa thì ít nhất cũng phải súc miệng thật kỹ với nước.

Đặt bàn chải không phải trên bề mặt mắc cài mà trên phần răng tiếp giáp với lợi, xoay tròn những vòng nhỏ. Bạn có thể đẩy lông bàn chải luồn bên dưới dây thép ở phía trên và phía dưới mắc cài để lấy di thức ăn và mảng bám bên dưới dây thép. Bạn phải chắc rằng lông bàn chải phải tựa lên lợi và răng. Nếu bạn tựa bàn chải lên dây cung môi thì bàn chải ở cách xa nướu và việc chải răng sẽ không hiệu quả.

Vào buổi tối, hay bất cứ lúc nào có thời gian, bạn nên bỏ ra ít nhất 5 phút để chải răng thật kỹ. Bắt đầu với bàn chải kẽ răng, rất hiệu quả để lấy đi một lượng lớn mảnh vụn thức ăn, dụng cụ này cũng cần dùng hằng ngày để lấy đi mảng bám trên răng và nướu. Bẻ gập phần dây thép của bàn chải tạo góc thích hợp. Đưa bàn chải luồn bên dưới dây cung môi, hướng từ lợi về phía cạnh cắn, chải chậm rãi, 15 lần, từ mắc cài này đến mắc cài khác. Sau khi dùng bàn chải kẽ cho mỗi mắc cài, dùng bàn chải thông thường theo cách đã hướng dẫn ở trên. Bàn chải đánh răng của bạn sẽ hư nhanh chóng vì mắc cài, do đó bạn cần thay bàn chải ngay khi nó bị xơ tua.

Dùng chỉ tơ nha khoa: Sử dụng chỉ tơ ít nhất một lần một ngày, tốt nhất là dùng chỉ tơ sau tất cả các bữa ăn. Khi bạn mang mắc cài thì sẽ khó để luồn được chỉ dưới dây cung nhưng đã có các dụng cụ đặc biệt để hỗ trợ, đó là cây luồn chỉ và một loại chỉ tơ đặc biệt.

Fluoride: Luôn sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride. Nha sĩ có thể sẽ khuyên bạn dùng thêm các nước súc miệng có chứa fluoride thông thường. Chúng sẽ cung cấp fluoride để bảo vệ và làm răng cứng chắc trong suốt quá trình chỉnh nha. Sau khi chải răng, súc sạch kem đánh răng, ngậm 5 -10ml dung dịch FluorCare 30 giây, sau đó nhả thuốc, để lại phần thuốc còn bám lại ít nhất 30 phút. Tốt nhất nên thực hiện trước khi đi ngủ để fluor tiếp tục tác dụng suốt cả đêm. Một gợi ý có ích là bạn làm việc này vào cùng một đêm mỗi tuần. Ví dụ đêm chủ nhật có thể là đêm fluor.

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như bàn chải kẽ, nước súc miệng sát khuẩn, máng bảo vệ (nhất là khi bạn chơi thể thao để tránh bị tổn thương do khí cụ va chạm vào mặt).

Bàn chải Bi-level để chải răng.

Bảo quản hàm duy trì và các khí cụ chỉnh nha tháo lắp

Nếu bạn có hàm duy trì sau chỉnh nha hay bất kỳ khí cụ chỉnh nha tháo lắp nào thì chúng cũng cần được vệ sinh thường xuyên. Chải sạch khí cụ hằng ngày bằng bàn chải đánh răng và có thể sử dụng thêm kem đánh răng. Đặc biệt, chú ý làm sạch mặt khí cụ tiếp xúc với răng và niêm mạc miệng. Nên chải khí cụ dưới vòi nước chảy và bên dưới có hứng chậu nước. Như vậy, dù bạn có trượt tay làm rơi hàm thì chúng cũng không bị gãy. Cũng có thể ngâm hàm trong dung dịch sát khuẩn loại chuyên dùng cho hàm giả. Không được sử dụng nước nóng để ngâm rửa hàm. Nó có thể làm biến dạng nhựa và do đó bạn không thể đeo được khí cụ nữa. Khi không đeo hàm nên giữ chúng trong một hộp bảo quản. Không nên gói hàm lại vì có thể bị nhầm là rác và vứt đi.

Một lưu ý nữa là cần ăn uống đúng cách, tránh các thực phẩm nguy cơ gây sâu răng cao, thức ăn cứng và dính như caramen, kẹo cao su…, không ăn vặt, không ăn các đồ ăn chứa nhiều đường trước khi đi ngủ mà không đánh răng lại. Ngoài ra, khám răng định kỳ là yêu cầu cần thiết để bạn kịp thời phát hiện các vấn đề răng miệng cũng như khắc phục ngay những biện pháp vệ sinh răng miệng chưa đúng.

TS. Võ Trương Như Ngọc, BS. Nguyễn Lan Anh

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Chăm sóc trẻ bị hen phế quản tại nhà

Hen phế quản là bệnh viêm mạn tính của đường thở. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả thể chất và tinh thần người bệnh. Trẻ bị hen phế quản phải giới hạn hoạt động thể lực, đối diện với nguy cơ tử vong, suy hô hấp... khi lên cơn. Vì vậy, cha mẹ và người thân cần biết chăm sóc trẻ bị hen phế quản đúng cách tại nhà.

Khi chăm sóc trẻ mắc hen phế quản tại nhà cần phải biết cách nhận biết và xử trí khi trẻ lên cơn, tránh nguyên nhân làm khởi phát cơn hen, biết cách tự phòng ngừa bằng thuốc và tái khám theo đúng hẹn của bác sĩ.

Các dấu hiệu cơn hen đang đến là trẻ ho, khò khè, khó thở, quấy khóc, nặng ngực, thức giấc về đêm.

Chăm sóc trẻ bị hen phế quản tại nhà 1Khi trẻ có dấu hiệu lên cơn hen phế quản cần sử dụng thuốc cắt cơn có tác dụng nhanh. Ảnh: TL
Khi trẻ có các dấu hiệu trên, cần cho dùng thuốc cắt cơn có tác dụng nhanh. Xịt Ventolin MDI 100mcg 2 lần nếu không dùng buồng đệm, hoặc 4-6 lần nếu có buồng đệm. Mỗi lần cách nhau 1 phút. Có thể lặp lại 3 lần, mỗi lần cách nhau 20 phút. Sau khi xịt thuốc cắt cơn, nếu trẻ chuyển biến tốt thì có thể cho trẻ nghỉ ngơi, khám lại sau đó. Nếu trẻ không có chuyển biến tốt, vẫn còn thở nhanh, khó thở, nói không nổi, tím tái, cánh mũi phập phồng, co kéo hãm trên ức, thượng đòn, cơ ức đòn chũm,... cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế. Tuyệt đối không nên dùng thuốc cắt cơn dạng uống khi trẻ đang lên cơn hen.

Điều trị dự phòng bằng thuốc trong các trường hợp: Hen không kiểm soát hoặc kiểm soát một phần; Hen dai dẳng, có triệu chứng 1lần/tuần hoặc hơn, cơn hen về đêm 2 lần/tháng; Hen phế quản từng cơn, nhưng có tiền căn nhập viện vì cơn hen khởi phát nặng; Hen phế quản theo mùa, điều trị dự phòng bắt đầu mùa hoặc khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên và ngừng khi hết mùa.

Lưu ý cho trẻ tái khám đúng hẹn, tái khám ngay cả khi cảm thấy trẻ khỏi bệnh, không lên cơn hen. Bác sĩ sẽ theo dõi và xem lại diễn tiến của bệnh, đánh giá hiệu quả điều trị để có thể tăng, giảm liều hoặc thay thuốc phù hợp.

Giữ trẻ tránh các yếu tố nguy cơ khởi phát cơn hen như lông các loại vật nuôi trong nhà như chó, mèo, khói thuốc, mạt nhà, bụi bặm, khói bếp, gián, các loại bình xịt có mùi nồng nặc... Nhà ở cần thường xuyên mở cửa, quét dọn thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ trong thời gian trẻ đi học, tránh dùng thảm trong nhà. Cần tránh cho trẻ hoạt động gắng sức, tránh xúc cảm quá mạnh, lưu ý đề phòng, giữ gìn không để trẻ cảm ho nặng.

Ở trường, cần cho thầy cô giáo biết về tình trạng của trẻ.  Trẻ vẫn tập thể dục, chơi thể thao vừa sức bình thường nhưng trước đó 15 phút cần cho trẻ hít giãn phế quản.

Bác sĩ  Nguyễn Thái Sơn

5 cách giúp trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh

Do đó, với nhiều bố mẹ, chỉ cần cho trẻ ăn được một chút thôi cũng đã được coi là thành công rồi. Tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng của Abbott, khi nói đến dinh dưỡng cho trẻ, hướng trẻ đến một thói quen ăn uống lành mạnh mới thực sự là chiến thắng.

Hãy tập cho trẻ thói quen tốt từ sớm

Một chuỗi các nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Nhi Khoa, được tài trợ bởi Bộ Y tế và Chăm sóc Con người Hoa Kỳ chỉ ra rằng thói quen ăn uống của trẻ được hình thành từ rất sớm, và bạn cho con ăn uống lành mạnh càng sớm thì càng có lợi cho sức khỏe lâu dài của trẻ. Đặc biệt, dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe, sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Tuy nhiên, trẻ không thể tự học các thói quen ăn uống lành mạnh. Bà Tama Bloch, nhà khoa học thuộc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển của Abbott cho biết: “Cha mẹ là những hình mẫu vô cùng quan trọng để dạy trẻ thói quen ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên khi bị áp lực về thời gian và sự kiên nhẫn có hạn, cha mẹ nhanh chóng nhượng bộ hoặc không có sự chuẩn bị để đưa ra những lựa chọn lành mạnh. Tuy nhiên, cần dành thời gian rèn cho trẻ khi chúng còn nhỏ, bởi càng lớn, việc này càng khó khăn hơn”.

Dạy cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh là việc không hề dễ dàng. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể làm được điều đó. Một vài “chiến lược” đơn giản như sau:

Sáng tạo: Chuẩn bị những bữa ăn đa dạng

Bạn càng cho con ăn đa dạng càng tốt. Sự kết hợp thức ăn là vô cùng quan trọng. Nếu trẻ không thích ăn chuối nhưng lại thích ăn bơ đậu phộng, hãy mời trẻ ăn một lát chuối có phết bơ đậu phộng. Đồ chấm ngon hay chỉ một chút pho mai phết lên trên miếng rau cũng có thể khiến con thấy thích thú. Ngoài ra, khi giới thiệu con một món ăn lành mạnh mới, bạn phải đảm bảo rằng trong đó có bao gồm một thứ mà con thích. Bằng cách đó, con sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi ăn món mới.

5 cách giúp trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh

Hơn nữa, bằng việc đa dạng các loại thức ăn và thành phần trong một bữa ăn, bạn sẽ đảm bảo được rằng con có được nguồn dinh dưỡng đa dạng, cần thiết cho sự phát triển tối ưu. Nên cho trẻ ăn các loại rau củ, trái cây, ngũ cốc, sữa và các nguồn protein có chất lượng tốt như thịt nạc, các, các loại hạt và trứng.

Hành động: Hãy cho trẻ cảm thấy chúng được chủ động

Bà Bloch cho rằng, bên cạnh việc dạy con tại sao lại quyết định lựa chọn những thực phẩm bổ dưỡng, hãy để trẻ tham gia quá trình đưa ra quyết định, khi đó trẻ sẽ thích ăn những món ăn đó hơn. Hãy thử đưa trẻ cùng đi siêu thị và chọn những loại rau củ, trái cây để thử và thậm chí thử bổ quả dừa làm đôi để trẻ có thể khám phá bên trong. Để con bạn trở thành một phần của quá trình là không thể thiếu trong việc thiết lập những thói quen lâu dài.

Một cách khác để trẻ tham gia vào bữa ăn là hãy cho phép chúng chọn những món đồ như: chén, cốc, thìa… dễ thương, phù hợp với trẻ nhỏ tại cửa hàng.

Kiên nhẫn: Không bỏ cuộc

Khi ăn cùng trẻ, điều quan trọng là cha mẹ cần giữ cho trẻ bình tĩnh và không dùng món tráng miệng như một phần thưởng để trẻ ăn hết thức ăn. Bà Bloch cho biết: “Một nghiên cứu mới tại Đại học Aston chỉ ra rằng sử dụng thức ăn như một phần thưởng trong giai đoạn đầu đời sẽ vô tình dạy cho trẻ dựa vào thức ăn để đối phó với cảm xúc. Do đó, đừng tức giận hay thất vọng. Con bạn không nên cảm thấy mối liên hệ về mặt cảm xúc nào trong bữa ăn cả”. Bà còn khuyên nên áp đặt một quy tắc đơn giản: Con không cần ăn hết cả đĩa thức ăn, nhưng mỗi món con đều phải thử ít nhất một miếng.

Làm gương: Hãy ăn theo cách mà bạn muốn con mình ăn

Nếu bạn muốn trẻ ăn một bữa sáng đầy đủ mỗi ngày trong khi bản thân lại bỏ qua bữa sáng, con bạn sẽ thấy bối rối, không biết có phải “bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày” hay không. Cha mẹ cần cho con thấy rằng mình cũng xem trọng những thói quen dinh dưỡng và mong con làm theo như: ăn uống đầy đủ, ngồi xuống khi ăn và ăn đa dạng các thực phẩm lành mạnh, sẵn sàng thử các món mới, các món ăn khác nhau và thử ăn những món mà họ đã từng không thích trong lần thử đầu tiên. (Rất may là khẩu vị của chúng ta thay đổi theo thời gian).

Đúng lịch: Ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ mỗi ngày

Một thời gian biểu có cấu trúc rõ ràng, đều đặn bao gồm 3 bữa chính và 2 bữa phụ mỗi ngày sẽ làm cho mọi thứ trở nên quy củ hơn, cung cấp năng lượng cho con bạn đầy đủ hơn và dạy chúng rằng, nếu chúng không ăn trưa thì chúng sẽ phải đợi đến 2 giờ chiều để được ăn bữa phụ. Sẽ không có chuyện ra hàng mua kẹo trong vòng một giờ ngay sau khi từ chối bữa trưa. Bữa ăn không nên kéo dài quá 20 đến 30 phút. Hãy tuân thủ quy tắc đó và đừng từ bỏ. Sau thời gian đó, hãy nói cho con bạn biết khi nào thì đến bữa chính hay bữa phụ tiếp theo.

Cũng cần đảm bảo rằng mỗi bữa chính và bữa phụ luôn cung cấp đầy đủ dưỡng chất với những thức ăn lành mạnh. Đừng nhầm lẫn bữa phụ với việc ăn vặt 2 lần 1 ngày. Bữa phụ cũng cần đóng góp vào tổng lượng dinh dưỡng chung.

Dinh dưỡng đúng chính là nền tảng cho sức khỏe tốt, là điều kiện tiên quyết để mọi người ở mọi độ tuổi có thể có cuộc sống trọn vẹn nhất. Chuyên mục “Dinh dưỡng cho cuộc sống trọn vẹn” do Báo Sức khỏe & Đời sống kết hợp với Abbott Việt Nam - công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu thực hiện sẽ giới thiệu những kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất về dinh dưỡng, những kiến thức hữu ích về thực hành dinh dưỡng trong cuộc sống và điều trị bệnh, bao gồm các chủ đề dinh dưỡng cho phụ nữ; bà mẹ và trẻ em; dinh dưỡng cho người lớn tuổi và người bệnh; dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe.

THANH TRÀ

Bé mút ngón tay có gây hại?

Vậy, bé mút tay có lợi hay hại, chúng ta có nên cho trẻ mút ngón tay không, loại bỏ thói quen này như thế nào?

Vì sao bé mút tay?

Trong giai đoạn sơ sinh, mút tay là một trong những biểu hiện của việc bé đói và có nhu cầu được bú sữa. Điều đó làm bé thấy dễ chịu và có cảm giác bình yên. Khi lớn hơn thói quen mút tay trong mọi tình huống như: mệt mỏi, sợ hãi, buồn chán, buồn ngủ, hay lo lắng, căng thẳng… Lắm lúc trẻ phải mút tay để đi vào giấc ngủ và mỗi khi trở mình lúc nửa đêm. Theo thống kê chưa đầy đủ 90% số trẻ sơ sinh khi đói sẽ mút tay, và dần dần sẽ hình thành thói quen này ngay cả khi bé không đói thậm chí đã thôi bú sữa.

Tác hại của mút tay

Mút tay có gây hại cho bé?

Theo các nghiên cứu cho thấy đa số trẻ có thể an toàn khi mút ngón tay của chúng. Thông thường, các trẻ chỉ ngậm mút ngón tay một cách nhẹ nhàng trong khoảng thời gian ngắn nên không gây tổn thương đáng kể trên cơ thể. Ngậm mút tay chưa rửa sạch sẽ là nguồn căn cho trẻ bị các bệnh lây truyền qua đường miệng như bệnh tay chân miệng và các bệnh đường tiêu hoá ...

Trẻ ngậm ngón tay quá sâu khiến trẻ dễ bị nôn trớ, nhất là sau ăn uống. Ở những trẻ có động tác mút mạnh liên tục, thậm chí nhai hoặc dùng lưỡi đẩy có thể gây ra một số tổn thương ở da ngón tay, răng và hàm. Da ngón tay bị nứt đi nứt lại, lở loét, sẽ tạo điều kiện cho vi trùng bên ngoài xâm nhập vào dưới da sẽ gây viêm da mủ. Mút tay nhiều, lâu ngày, còn gây biến dạng xương ngón tay, tạo nên hình dạng ngón tay bất thường. Thậm chí biến dạng răng và hàm; miệng trẻ trở nên hô (do răng và hàm bị đẩy ra ngoài) hay móm (do một hàm bị đưa vào trong); lệch khớp cắn; rối loạn phát âm. Sau này cần phải đến nha khoa để điều trị. Về tâm lý, mút ngón tay thường được xem là biểu hiện của xấu hổ, thiếu tự tin và dễ là cái cớ khiến bạn bè trêu ghẹo, gây mặc cảm cho trẻ khi đến trường.

be-mut-tay-co-gay-hai

Giúp bé bỏ thói quen mút tay cách nào?

Làm sao để trẻ từ bỏ thói quen xấu?

Với trẻ còn bú nên cho bú mẹ đầy đủ. Nếu trẻ thỉnh thoảng mới mút tay, bố mẹ chỉ cần làm phân tâm trẻ, lôi cuốn sự chú ý vào những trò chơi khác, giúp trẻ dễ chịu vào những thời điểm sắp mút tay. Chịu khó tìm cách động viên, khích lệ trẻ những lúc không mút tay cũng mang lại hiệu quả giảm dần rồi tự hết. Bên cạnh đó, có thể sử dụng một số biện pháp như băng kín hay mang găng che tay trẻ, … nhằm làm giảm hứng thú mút tay cũng có hiệu quả nhất định.

Với trẻ lớn, cần được giải thích lồng ghép trong tác hại của những thói quen kém vệ sinh, nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa tay sạch, cắt móng tay, vệ sinh da để tránh lây bệnh.

Nếu những cố gắng trên của bạn không giúp đuợc trẻ, hãy đưa trẻ đến khám tại các khoa nhi chuyên về tâm lý trẻ em.

Bác sĩ Yến Thủy

Ăn cá giúp giảm nguy cơ dị ứng ở trẻ

Những trẻ thường xuyên ăn cá trong năm đầu đời thì giảm được nguy cơ mắc phải những chứng dị ứng thông thường cho đến 12 năm sau. Nhóm nghiên cứu cho biết chỉ cần cho trẻ ăn cá từ 2 - 3 lần/tháng cũng đủ làm giảm các nguy cơ mắc bệnh dị ứng của trẻ.

Cụ thể, những trẻ thường xuyên ăn cá trong những năm đầu đời thì giảm được 22% nguy cơ mắc bệnh chàm và giảm được 26% nguy cơ mắc bệnh sốt mùa hè.

Để có kết quả trên, các nhà nghiên cứu tại Viện Karolinska (Thụy Điển) đã giám sát chế độ dinh dưỡng của 3.285 trẻ trong những năm đầu đời, khi trẻ lên 2 tuổi, 4 tuổi, 8 tuổi và 12 tuổi.

My Hoa (Theo ABC new, 6/2013)

Trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần

Bệnh tay chân miệng   (TCM) hiện nay là bệnh rất dễ mắc nhất là trẻ dưới 3 tuổi, gây nhiều tác hại đến đến sức khỏe của trẻ, nhất là những t...