Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Chăm sóc trẻ bị hen phế quản tại nhà

Hen phế quản là bệnh viêm mạn tính của đường thở. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả thể chất và tinh thần người bệnh. Trẻ bị hen phế quản phải giới hạn hoạt động thể lực, đối diện với nguy cơ tử vong, suy hô hấp... khi lên cơn. Vì vậy, cha mẹ và người thân cần biết chăm sóc trẻ bị hen phế quản đúng cách tại nhà.

Khi chăm sóc trẻ mắc hen phế quản tại nhà cần phải biết cách nhận biết và xử trí khi trẻ lên cơn, tránh nguyên nhân làm khởi phát cơn hen, biết cách tự phòng ngừa bằng thuốc và tái khám theo đúng hẹn của bác sĩ.

Các dấu hiệu cơn hen đang đến là trẻ ho, khò khè, khó thở, quấy khóc, nặng ngực, thức giấc về đêm.

Chăm sóc trẻ bị hen phế quản tại nhà 1Khi trẻ có dấu hiệu lên cơn hen phế quản cần sử dụng thuốc cắt cơn có tác dụng nhanh. Ảnh: TL
Khi trẻ có các dấu hiệu trên, cần cho dùng thuốc cắt cơn có tác dụng nhanh. Xịt Ventolin MDI 100mcg 2 lần nếu không dùng buồng đệm, hoặc 4-6 lần nếu có buồng đệm. Mỗi lần cách nhau 1 phút. Có thể lặp lại 3 lần, mỗi lần cách nhau 20 phút. Sau khi xịt thuốc cắt cơn, nếu trẻ chuyển biến tốt thì có thể cho trẻ nghỉ ngơi, khám lại sau đó. Nếu trẻ không có chuyển biến tốt, vẫn còn thở nhanh, khó thở, nói không nổi, tím tái, cánh mũi phập phồng, co kéo hãm trên ức, thượng đòn, cơ ức đòn chũm,... cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế. Tuyệt đối không nên dùng thuốc cắt cơn dạng uống khi trẻ đang lên cơn hen.

Điều trị dự phòng bằng thuốc trong các trường hợp: Hen không kiểm soát hoặc kiểm soát một phần; Hen dai dẳng, có triệu chứng 1lần/tuần hoặc hơn, cơn hen về đêm 2 lần/tháng; Hen phế quản từng cơn, nhưng có tiền căn nhập viện vì cơn hen khởi phát nặng; Hen phế quản theo mùa, điều trị dự phòng bắt đầu mùa hoặc khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên và ngừng khi hết mùa.

Lưu ý cho trẻ tái khám đúng hẹn, tái khám ngay cả khi cảm thấy trẻ khỏi bệnh, không lên cơn hen. Bác sĩ sẽ theo dõi và xem lại diễn tiến của bệnh, đánh giá hiệu quả điều trị để có thể tăng, giảm liều hoặc thay thuốc phù hợp.

Giữ trẻ tránh các yếu tố nguy cơ khởi phát cơn hen như lông các loại vật nuôi trong nhà như chó, mèo, khói thuốc, mạt nhà, bụi bặm, khói bếp, gián, các loại bình xịt có mùi nồng nặc... Nhà ở cần thường xuyên mở cửa, quét dọn thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ trong thời gian trẻ đi học, tránh dùng thảm trong nhà. Cần tránh cho trẻ hoạt động gắng sức, tránh xúc cảm quá mạnh, lưu ý đề phòng, giữ gìn không để trẻ cảm ho nặng.

Ở trường, cần cho thầy cô giáo biết về tình trạng của trẻ.  Trẻ vẫn tập thể dục, chơi thể thao vừa sức bình thường nhưng trước đó 15 phút cần cho trẻ hít giãn phế quản.

Bác sĩ  Nguyễn Thái Sơn

5 cách giúp trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh

Do đó, với nhiều bố mẹ, chỉ cần cho trẻ ăn được một chút thôi cũng đã được coi là thành công rồi. Tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng của Abbott, khi nói đến dinh dưỡng cho trẻ, hướng trẻ đến một thói quen ăn uống lành mạnh mới thực sự là chiến thắng.

Hãy tập cho trẻ thói quen tốt từ sớm

Một chuỗi các nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Nhi Khoa, được tài trợ bởi Bộ Y tế và Chăm sóc Con người Hoa Kỳ chỉ ra rằng thói quen ăn uống của trẻ được hình thành từ rất sớm, và bạn cho con ăn uống lành mạnh càng sớm thì càng có lợi cho sức khỏe lâu dài của trẻ. Đặc biệt, dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe, sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Tuy nhiên, trẻ không thể tự học các thói quen ăn uống lành mạnh. Bà Tama Bloch, nhà khoa học thuộc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển của Abbott cho biết: “Cha mẹ là những hình mẫu vô cùng quan trọng để dạy trẻ thói quen ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên khi bị áp lực về thời gian và sự kiên nhẫn có hạn, cha mẹ nhanh chóng nhượng bộ hoặc không có sự chuẩn bị để đưa ra những lựa chọn lành mạnh. Tuy nhiên, cần dành thời gian rèn cho trẻ khi chúng còn nhỏ, bởi càng lớn, việc này càng khó khăn hơn”.

Dạy cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh là việc không hề dễ dàng. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể làm được điều đó. Một vài “chiến lược” đơn giản như sau:

Sáng tạo: Chuẩn bị những bữa ăn đa dạng

Bạn càng cho con ăn đa dạng càng tốt. Sự kết hợp thức ăn là vô cùng quan trọng. Nếu trẻ không thích ăn chuối nhưng lại thích ăn bơ đậu phộng, hãy mời trẻ ăn một lát chuối có phết bơ đậu phộng. Đồ chấm ngon hay chỉ một chút pho mai phết lên trên miếng rau cũng có thể khiến con thấy thích thú. Ngoài ra, khi giới thiệu con một món ăn lành mạnh mới, bạn phải đảm bảo rằng trong đó có bao gồm một thứ mà con thích. Bằng cách đó, con sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi ăn món mới.

5 cách giúp trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh

Hơn nữa, bằng việc đa dạng các loại thức ăn và thành phần trong một bữa ăn, bạn sẽ đảm bảo được rằng con có được nguồn dinh dưỡng đa dạng, cần thiết cho sự phát triển tối ưu. Nên cho trẻ ăn các loại rau củ, trái cây, ngũ cốc, sữa và các nguồn protein có chất lượng tốt như thịt nạc, các, các loại hạt và trứng.

Hành động: Hãy cho trẻ cảm thấy chúng được chủ động

Bà Bloch cho rằng, bên cạnh việc dạy con tại sao lại quyết định lựa chọn những thực phẩm bổ dưỡng, hãy để trẻ tham gia quá trình đưa ra quyết định, khi đó trẻ sẽ thích ăn những món ăn đó hơn. Hãy thử đưa trẻ cùng đi siêu thị và chọn những loại rau củ, trái cây để thử và thậm chí thử bổ quả dừa làm đôi để trẻ có thể khám phá bên trong. Để con bạn trở thành một phần của quá trình là không thể thiếu trong việc thiết lập những thói quen lâu dài.

Một cách khác để trẻ tham gia vào bữa ăn là hãy cho phép chúng chọn những món đồ như: chén, cốc, thìa… dễ thương, phù hợp với trẻ nhỏ tại cửa hàng.

Kiên nhẫn: Không bỏ cuộc

Khi ăn cùng trẻ, điều quan trọng là cha mẹ cần giữ cho trẻ bình tĩnh và không dùng món tráng miệng như một phần thưởng để trẻ ăn hết thức ăn. Bà Bloch cho biết: “Một nghiên cứu mới tại Đại học Aston chỉ ra rằng sử dụng thức ăn như một phần thưởng trong giai đoạn đầu đời sẽ vô tình dạy cho trẻ dựa vào thức ăn để đối phó với cảm xúc. Do đó, đừng tức giận hay thất vọng. Con bạn không nên cảm thấy mối liên hệ về mặt cảm xúc nào trong bữa ăn cả”. Bà còn khuyên nên áp đặt một quy tắc đơn giản: Con không cần ăn hết cả đĩa thức ăn, nhưng mỗi món con đều phải thử ít nhất một miếng.

Làm gương: Hãy ăn theo cách mà bạn muốn con mình ăn

Nếu bạn muốn trẻ ăn một bữa sáng đầy đủ mỗi ngày trong khi bản thân lại bỏ qua bữa sáng, con bạn sẽ thấy bối rối, không biết có phải “bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày” hay không. Cha mẹ cần cho con thấy rằng mình cũng xem trọng những thói quen dinh dưỡng và mong con làm theo như: ăn uống đầy đủ, ngồi xuống khi ăn và ăn đa dạng các thực phẩm lành mạnh, sẵn sàng thử các món mới, các món ăn khác nhau và thử ăn những món mà họ đã từng không thích trong lần thử đầu tiên. (Rất may là khẩu vị của chúng ta thay đổi theo thời gian).

Đúng lịch: Ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ mỗi ngày

Một thời gian biểu có cấu trúc rõ ràng, đều đặn bao gồm 3 bữa chính và 2 bữa phụ mỗi ngày sẽ làm cho mọi thứ trở nên quy củ hơn, cung cấp năng lượng cho con bạn đầy đủ hơn và dạy chúng rằng, nếu chúng không ăn trưa thì chúng sẽ phải đợi đến 2 giờ chiều để được ăn bữa phụ. Sẽ không có chuyện ra hàng mua kẹo trong vòng một giờ ngay sau khi từ chối bữa trưa. Bữa ăn không nên kéo dài quá 20 đến 30 phút. Hãy tuân thủ quy tắc đó và đừng từ bỏ. Sau thời gian đó, hãy nói cho con bạn biết khi nào thì đến bữa chính hay bữa phụ tiếp theo.

Cũng cần đảm bảo rằng mỗi bữa chính và bữa phụ luôn cung cấp đầy đủ dưỡng chất với những thức ăn lành mạnh. Đừng nhầm lẫn bữa phụ với việc ăn vặt 2 lần 1 ngày. Bữa phụ cũng cần đóng góp vào tổng lượng dinh dưỡng chung.

Dinh dưỡng đúng chính là nền tảng cho sức khỏe tốt, là điều kiện tiên quyết để mọi người ở mọi độ tuổi có thể có cuộc sống trọn vẹn nhất. Chuyên mục “Dinh dưỡng cho cuộc sống trọn vẹn” do Báo Sức khỏe & Đời sống kết hợp với Abbott Việt Nam - công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu thực hiện sẽ giới thiệu những kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất về dinh dưỡng, những kiến thức hữu ích về thực hành dinh dưỡng trong cuộc sống và điều trị bệnh, bao gồm các chủ đề dinh dưỡng cho phụ nữ; bà mẹ và trẻ em; dinh dưỡng cho người lớn tuổi và người bệnh; dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe.

THANH TRÀ

Bé mút ngón tay có gây hại?

Vậy, bé mút tay có lợi hay hại, chúng ta có nên cho trẻ mút ngón tay không, loại bỏ thói quen này như thế nào?

Vì sao bé mút tay?

Trong giai đoạn sơ sinh, mút tay là một trong những biểu hiện của việc bé đói và có nhu cầu được bú sữa. Điều đó làm bé thấy dễ chịu và có cảm giác bình yên. Khi lớn hơn thói quen mút tay trong mọi tình huống như: mệt mỏi, sợ hãi, buồn chán, buồn ngủ, hay lo lắng, căng thẳng… Lắm lúc trẻ phải mút tay để đi vào giấc ngủ và mỗi khi trở mình lúc nửa đêm. Theo thống kê chưa đầy đủ 90% số trẻ sơ sinh khi đói sẽ mút tay, và dần dần sẽ hình thành thói quen này ngay cả khi bé không đói thậm chí đã thôi bú sữa.

Tác hại của mút tay

Mút tay có gây hại cho bé?

Theo các nghiên cứu cho thấy đa số trẻ có thể an toàn khi mút ngón tay của chúng. Thông thường, các trẻ chỉ ngậm mút ngón tay một cách nhẹ nhàng trong khoảng thời gian ngắn nên không gây tổn thương đáng kể trên cơ thể. Ngậm mút tay chưa rửa sạch sẽ là nguồn căn cho trẻ bị các bệnh lây truyền qua đường miệng như bệnh tay chân miệng và các bệnh đường tiêu hoá ...

Trẻ ngậm ngón tay quá sâu khiến trẻ dễ bị nôn trớ, nhất là sau ăn uống. Ở những trẻ có động tác mút mạnh liên tục, thậm chí nhai hoặc dùng lưỡi đẩy có thể gây ra một số tổn thương ở da ngón tay, răng và hàm. Da ngón tay bị nứt đi nứt lại, lở loét, sẽ tạo điều kiện cho vi trùng bên ngoài xâm nhập vào dưới da sẽ gây viêm da mủ. Mút tay nhiều, lâu ngày, còn gây biến dạng xương ngón tay, tạo nên hình dạng ngón tay bất thường. Thậm chí biến dạng răng và hàm; miệng trẻ trở nên hô (do răng và hàm bị đẩy ra ngoài) hay móm (do một hàm bị đưa vào trong); lệch khớp cắn; rối loạn phát âm. Sau này cần phải đến nha khoa để điều trị. Về tâm lý, mút ngón tay thường được xem là biểu hiện của xấu hổ, thiếu tự tin và dễ là cái cớ khiến bạn bè trêu ghẹo, gây mặc cảm cho trẻ khi đến trường.

be-mut-tay-co-gay-hai

Giúp bé bỏ thói quen mút tay cách nào?

Làm sao để trẻ từ bỏ thói quen xấu?

Với trẻ còn bú nên cho bú mẹ đầy đủ. Nếu trẻ thỉnh thoảng mới mút tay, bố mẹ chỉ cần làm phân tâm trẻ, lôi cuốn sự chú ý vào những trò chơi khác, giúp trẻ dễ chịu vào những thời điểm sắp mút tay. Chịu khó tìm cách động viên, khích lệ trẻ những lúc không mút tay cũng mang lại hiệu quả giảm dần rồi tự hết. Bên cạnh đó, có thể sử dụng một số biện pháp như băng kín hay mang găng che tay trẻ, … nhằm làm giảm hứng thú mút tay cũng có hiệu quả nhất định.

Với trẻ lớn, cần được giải thích lồng ghép trong tác hại của những thói quen kém vệ sinh, nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa tay sạch, cắt móng tay, vệ sinh da để tránh lây bệnh.

Nếu những cố gắng trên của bạn không giúp đuợc trẻ, hãy đưa trẻ đến khám tại các khoa nhi chuyên về tâm lý trẻ em.

Bác sĩ Yến Thủy

Ăn cá giúp giảm nguy cơ dị ứng ở trẻ

Những trẻ thường xuyên ăn cá trong năm đầu đời thì giảm được nguy cơ mắc phải những chứng dị ứng thông thường cho đến 12 năm sau. Nhóm nghiên cứu cho biết chỉ cần cho trẻ ăn cá từ 2 - 3 lần/tháng cũng đủ làm giảm các nguy cơ mắc bệnh dị ứng của trẻ.

Cụ thể, những trẻ thường xuyên ăn cá trong những năm đầu đời thì giảm được 22% nguy cơ mắc bệnh chàm và giảm được 26% nguy cơ mắc bệnh sốt mùa hè.

Để có kết quả trên, các nhà nghiên cứu tại Viện Karolinska (Thụy Điển) đã giám sát chế độ dinh dưỡng của 3.285 trẻ trong những năm đầu đời, khi trẻ lên 2 tuổi, 4 tuổi, 8 tuổi và 12 tuổi.

My Hoa (Theo ABC new, 6/2013)

Cách phòng ngừa rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình

Người phụ nữ ngồi trong phòng khám với vẻ mặt đầy mệt mỏi, lo lắng và sợ hãi. Chị mô tả lại cho bác sĩ những triệu chứng như chóng mặt, cảm giác bồng bềnh, đôi lúc như bị xoay giật, như bị nhấn chìm trong những cơn sóng, buồn nôn... Sau cơn, người bệnh cảm thấy đầu đau nhức, cảm giác mệt mỏi tràn đến, cơ thể rũ rượi, mặt xanh như tàu lá... Bác sĩ chẩn đoán chị bị hội chứng tiền đình. Vậy làm thế nào để thoát khỏi nỗi ám ảnh này?

Vì sao rối loạn tiền đình?

Tiền đình là một bộ phận cơ thể nằm sâu trong tai, có nhiệm vụ chính là giữ thăng bằng cho cơ thể. Khi chúng ta di chuyển, cúi, xoay... hệ thống tiền đình cũng sẽ nghiêng lắc theo các động tác này của cơ thể và giúp cơ thể có tư thế thăng bằng. Hệ thống tiền đình được điều khiển bởi các nhóm thần kinh cao cấp hơn nằm trong não bộ.

Cách phòng ngừa rối loạn tiền đình 1

Ốc tai - vị trí xảy ra rối loạn tiền đình.

Rất nhiều bệnh lý của hệ tiền đình ốc tai có thể gây rối loạn tiền đình. Y khoa thường chia làm hai nhóm nguyên nhân chính là rối loạn tiền đình trung ương hay rối loạn tiền đình ngoại biên. Sự phân loại này nhằm giúp thầy thuốc dễ dàng hơn trong việc chẩn đoán và điều trị. Ngoài những trường hợp có nguyên nhân rõ ràng như viêm tai, chấn thương tai, xuất huyết tai trong... có một tỷ lệ khá lớn rối loạn tiền đình không có nguyên nhân rõ rệt. Có những người do đặc tính giải phẫu khác biệt sẽ rất nhạy cảm khi môi trường thay đổi và dễbị hội chứng rối loạn tiền đình hơn người khác.

Biểu hiện của hội chứng tiền đình

Hội chứng tiền đình thường xuất hiện với cơn cấp tính. Cơn có thể tự xuất hiện hay khi người bệnh bị một yếu tố thuận lợi nào đó kích thích, như nghe tiếng động mạnh, âm thanh lớn khó chịu, cãi vã, xung đột, đi xa trên các phương tiện giao thông... Triệu chứng thường gặp là chóng mặt chao đảo, thấy mọi vật như xoay vần, buồn nôn, nôn. Nặng hơn có thể có các triệu chứng mất thăng bằng không giữ được tư thế, bước đi khó khăn, dễ ngã... Cơn chóng mặt sẽ tăng nếu cử động hay xoay đầu nhanh. Cơn rối loạn tiền đình thường xảy ra từng đợt, rất dễ tái phát khi nguyên nhân gây rối loạn tiền đình chưa được giải quyết.

Những cơn chóng mặt của hội chứng tiền đình làm người bệnh rất khó chịu, đôi khi họ không dám đi xa, không dám ngồi trên các phương tiện giao thông vì luôn lo sợ xuất hiện cơn rối loạn tiền đình. Hơn nữa người bệnh thường hay bị mệt mỏi, có xu hướng ngại di chuyển, hạn chế tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Điều này càng làm nặng thêm bệnh và lâu ngày có thể dẫn tới hội chứng trầm cảm rất khó chữa trị.

Điều trị rối loạn tiền đình

Điều trị

Điều trị hội chứng tiền đình được chú ý vào việc hướng dẫn người bệnh biết cách xử lý cơn cấp tính, thầy thuốc giúp phát hiện và điều trị nguyên nhân cùng với hướng dẫn người bệnh tập luyện để phòng cơn tái phát.

Một số nguyên tắc trong điều trị

Phòng ngừa khi tiếp xúc với nguy cơ hay thay đổi tư thế: Người dễ bị hội chứng tiền đình thường phải dùng thuốc phòng ngừa trước khi đi tàu xe. Nên tránh tập trung vào các dấu hiệu của bệnh bằng cách chú ý vào một việc khác như nghe nhạc, kể chuyện vui, thậm chí nếu ngủ được thì càng tốt. Ngoài ra, có những biện pháp tự kỷ ám thị cũng giúp tránh xuất hiện cơn như dán cao, bôi dầu... Trước khi đi chỉ ăn nhẹ, không ăn nhiều chất nặng mùi hay quá no.

Khi không tự kiềm chế được, phải biết xử lý tốt cơn chóng mặt cấp tránh tai nạn cho bệnh nhân. Phải ngưng điều khiển các phương tiện có động cơ hay những công việc nguy hiểm. Có thể dùng thuốc chống nôn hay cắt cơn. Loại bỏ ngay các dụng cụ để chứa chất nôn vì có thể là yếu tố gây kích thích nôn tiếp. Nên cho bệnh nhân ngồi ở vị trí thoáng gió, chắc chắn, tránh di chuyển vì rất dễ ngã gây chấn thương. Sau cơn có thể cho dùng thêm ít nước đường hay khoáng chất. Khi cơn nặng kéo dài, nhất là những trường hợp có nguyên nhân bệnh của tai mũi họng hay não cần nhập viện để được điều trị tích cực hơn.

Điều trị tích cực để loại bỏ nguyên nhân gây hội chứng tiền đình... như những bệnh của tai mũi họng (viêm, thoái hóa, bệnh về mạch máu...), bệnh của não bộ (thoái hóa, tai biến mạch máu não...), các nguyên nhân được cho là yếu tố nguy cơ làm tăng cơ hội bị chóng mặt và rối loạn tiền đình (tăng huyết áp, hạ đường huyết, hay khi dùng một số thuốc gây tổn hại cho cơ quan tiền đình ốc tai...).

Luyện tập tránh tái phát: Có nhiều biện pháp luyện tập cho hệ thống tiền đình thích nghi dần với sự thay đổi tư thế nhanh, như những người mới đi biển trong những lần đầu thường bị chóng mặt, nôn dữ dội nhưng lâu dần sẽ quen. Tập tư thế đầu xoay nhẹ nhàng giúp tăng cung cấp máu và quen với sự thay đổi tư thế.

Người bệnh bị hội chứng rối loạn tiền đình nhiều lần nên đi khám để được hướng dẫn tập những bài vật lý trị liệu giúp bù trừ sự mất cân bằng của hệ thống tiền đình. Bài tập sẽ giúp gia tăng sự thích nghi với việc thay đổi tư thế, tăng khả năng duy trì thăng bằng khi đứng, đi, lắc lư hay xoay chuyển. Những bài tập sẽ thường bắt đầu với tốc độ chậm, xoay chuyển ít, sau đó nhanh dần và độ xoay chuyển ngày càng rộng hơn. Những bài tập này đã được chứng minh là rất có lợi cho sự thích nghi của hệ thống tiền đình với thay đổi tư thế theo thời gian. Nhiều người bệnh thậm chí có thể bỏ hẳn thuốc sau một thời gian tập luyện kiên trì.

Nhìn chung, mặc dù không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân, nhưng rối loạn tiền đình ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng cuộc sống cả về thể chất lẫn tinh thần của người bệnh. Việc điều trị thường rất cần đến sự kiên trì của bệnh nhân, vì không thể đạt kết quả trong một thời gian ngắn. Để phòng ngừa nguy hiểm, người bị hội chứng rối loạn tiền đình tránh chọn các công việc liên quan đến độ cao, máy móc... Khi cơn xuất hiện nhẹ, có thể tập cách tự xử lý, nhưng nếu cơn nặng và kéo dài hay lặp lại nhiều lần, cần thiết phải thăm khám ở chuyên khoa Nội thần kinh để được tư vấn và điều trị đúng cách. Ngoài việc điều trị bằng thuốc và tập luyện như đã nêu ở trên, yếu tố trị liệu bằng tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng trong hiệu quả điều trị. Tinh thần sảng khoái vui tươi, tâm lý nhẹ nhàng thư giãn, không có những căng thẳng lo âu sợ hãi... sẽ giúp cơn rối loạn tiền đình ít xuất hiện hơn.

BsCKII. Lưu Xuân Thu

3 thói quen không tốt cho sức khỏe bạn cần loại bỏ ngay

Thường ngày trong sinh hoạt đôi khi có những thói quen nếu không để ý có thể gây tác hại tới sức khỏe. Ðể có sức khoẻ tốt hơn sống vui hơn... chúng ta bỏ những thói quen này.

Ngoáy mũi

Khi ngồi rảnh rỗi không có việc gì làm, nhiều người thường hay ngoáy mũi và cho rằng đây là cách vệ sinh cho mũi. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, ngoài việc mất vệ sinh, ngoáy mũi có thể hủy hoại lông mũi, làm rách màng dính, gây chảy máu. Vì màng dính ở mũi rất mềm, mỏng và có nhiều mạch máu. Nguy hiểm hơn vi trùng theo ngón tay vào lỗ mũi, làm mũi bị viêm mạn tính, tắc lỗ mũi, đỏ mũi, sống mũi sưng đỏ lâu ngày không khỏi.…

Cắn móng tay dễ nhiễm giun sán

Cắn móng tay

Thói quen này không chỉ thường gặp ở trẻ nhỏ mà nhiều người lớn cũng có thói quen cắn móng tay. Nhiều bạn gái thường cắn móng tay mỗi khi cảm thấy lo lắng điều gì đó. Kết quả là móng tay bị nham nhở, quá sát với phần thịt, dẫn đến sưng đau móng tay, thậm chí bị nhiễm trùng. Thường xuyên cắn móng tay còn có thể làm biến dạng ngón tay.

Móng tay còn chứa rất nhiều vi khuẩn, trứng các loại ký sinh trùng vì thế việc cắn móng tay còn khiến chúng ta nhiễm giun sán. Ngoài ra, cắn móng tay còn làm hại đến răng và làm mỏi khớp thái dương. Điều đó làm ảnh hưởng đến sức nhai và cách phát âm. Để hạn chế cần thường xuyên cắt tỉa móng tay cũng là một cách để nhắc nhở bạn không được phá huỷ bộ móng tay.

Ngoáy mũi có thể gây nhiều bệnh tai mũi họng (ảnh có tính chất minh họa)

Nhổ lông mũi

Đây là thói quen của các đấng mày râu. Các chuyên gia cảnh báo: tuyệt đối không nên nhổ lông mũi vì lông mũi có chứng năng ngăn chặn bớt bụi, vi khuẩn làm ấm không khí khi hít thở, ngăn chặn sự tấn công của bụi, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp. Ngoài ra việc cắt tỉa lông mũi còn dễ làm tổn thương niêm mạc mũi, gây trầy xước, chảy máu. Cách tốt nhất là nên rửa mũi hàng ngày bằng khăn mềm, động tác nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh hoặc quá sâu. Hãy bỏ thói quen tưởng như rất nhỏ nhặt này lại gây hại cho chúng ta. 

Công Tráng

Đừng để khói thuốc lá gây hại cho con trẻ

Thuốc lá có nhiều tác hại rõ rệt đến sức khoẻ trẻ em dù rằng các cháu chỉ hít phải khói thuốc lá do người lớn thải ra một cách thụ động. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính có khoảng 50% số trẻ em trên thế giới bị hít khói thuốc lá thụ động.

Tác hại từ khói thuốc lá đối với sức khỏe trẻ em

Tác hại dễ nhận thấy nhất là những ảnh hưởng xấu trên đường hô hấp của trẻ:

Trẻ em hút thuốc thụ động có nguy cơ lớn bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới, bao gồm viêm phế quản và viêm phổi. Các chuyên gia ước tính mỗi năm có khoảng 150.000 - 300.000 trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản hoặc viêm phổi có liên quan đến khói thuốc lá. Những trẻ dưới 1 tuổi là con của những người hút thuốc bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi những người không hút thuốc. Thêm vào đó, con của những người hút thuốc bị nặng hơn và thường phải nằm viện lâu hơn 20% thời gian so với con của những người không hút thuốc.

Đừng để khói thuốc lá gây hại cho con trẻ 1Trẻ hút thuốc thụ động nơi công cộng bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe

Người cha hút thuốc và đặc biệt là người mẹ hút thuốc cũng làm tăng tỉ lệ mắc và mức độ nặng của bệnh hen. Những đứa trẻ trong gia đình có người hút thuốc đòi hỏi nhiều chăm sóc y tế hơn, và nguy cơ bùng phát cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc. Trên toàn thế giới có khoảng từ 200.000 - 1.000.000 trẻ em bị hen suyễn đang phải chịu những tác động xấu do cha mẹ chúng nghiện hút thuốc.

Trẻ em hút thuốc lá thụ động sống chung nhà với một bệnh nhân lao có nguy cơ bị lây nhiễm lao với tỉ lệ cao gấp gần 5 lần so với đứa trẻ không bị hít khói thuốc lá thụ động.

Một số tác hại khác

Theo một cuộc nghiên cứu khoa học quy mô được tiến hành gần đây tại Hoa Kỳ nhận định những đứa trẻ tiếp xúc với khói thuốc trong nhà có thể có chỉ số IQ (chỉ số thông minh) thấp hơn những đứa trẻ cùng tuổi không hít phải khói thuốc lá thụ động. Môi trường bị ô nhiễm khói thuốc lá đã được chứng minh có liên quan trực tiếp đến một số các vấn đề về sức khỏe ở trẻ, bao gồm hội chứng trẻ bị đột tử, đau bụng, viêm tai giữa, làm tồi tệ thêm các triệu chứng của bệnh chàm bội nhiễm cũng như làm nảy sinh các vấn đề khác về hô hấp và tiêu hóa.

Cuộc nghiên cứu còn cho biết thêm: những đứa trẻ sống trong môi trường bị ô nhiễm khói thuốc có thể gây tổn hại tới hệ thần kinh, tác động tiêu cực tới quá trình phát triển kỹ năng lập luận và kỹ năng nhận thức ở trẻ như suy giảm chức năng nhận thức của não, giảm trí nhớ và tăng nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt gấp 3 lần, trẻ sẽ có kết quả học tập yếu kém hơn, nhất là khả năng đọc và làm toán.

Bảo vệ trẻ khỏi khói thuốc bằng những quyết tâm

Hãy nói không với việc hút thuốc: khuyến khích mọi thành viên trong gia đình nâng cao ý thức giữ gìn môi trường trong lành bằng việc kiên quyết không hút thuốc lá.

Hãy giúp bọn trẻ, nhất là trẻ vị thành niên tránh xa thói quen xấu này: nhắc nhở con bạn hút thuốc là một thói quen xấu. Hút thuốc khiến cho hơi thở nặng mùi, khiến cho quần áo, tóc tai đều ám mùi và làm răng vàng ố. Hút thuốc có thể khiến bạn bị ho mãn tính và không còn năng lượng để chơi thể thao hoặc tham gia các hoạt động khác.

Đừng để bản thân bị tốn kém vô bổ vì hút thuốc lá: hút thuốc rất tốn kém. Hãy giúp con bạn làm phép tính chi phí hàng tuần, hàng tháng, hàng năm cho một bao thuốc mỗi ngày. Bạn có thể so sánh chi phí cho hút thuốc với chi phí cho đồ dùng, quần áo hoặc những nhu cầu cần thiết khác của cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, hút thuốc lá sẽ làm cho cơ thể mắc bệnh dễ dàng làm tăng thêm chi phí hàng ngày khiến cuộc sống càng khó khăn hơn.

Theo đuổi thú vui bổ ích trong cuộc sống: hãy hoạt động thể thao tích cực để chống lại việc hút thuốc, tham gia vào những chiến dịch của trường hoặc địa phương về chống hút thuốc lá, ủng hộ việc cấm hút thuốc lá ở những nơi công cộng. Những hoạt động này vừa có lợi cho bản thân vừa mang lại điều tốt đẹp cho gia đình và cộng đồng.

ThS.BS. ĐINH THẠC


Chuyển mùa, chớ chủ quan với virut Zika

Trước thông tin cho rằng miền Bắc không phải lo virut Zika vì đang vào mùa rét nên loại muỗi truyền virut Zika không phát triển, theo Cục Y tế dự phòng, miền Bắc là địa bàn lưu hành muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết, mặc dù hiện nay, miền Bắc vẫn chưa phát hiện người nhiễm virut Zika do quần thể muỗi vằn chưa lây nhiễm virut này, tuy nhiên, do mở rộng giao lưu đi lại giữa các địa phương nên nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Hiện thời tiết miền Bắc đang trở lạnh, theo các chuyên gia, muỗi vằn vẫn tồn tại trong cộng đồng và tiềm ẩn nguy cơ lan truyền virut Zika, nếu bị đốt, vẫn có thể làm lan truyền virut Zika.

Đến thời điểm này, cả nước đã ghi nhận 36 trường hợp nhiễm virut Zika, trong đó chủ yếu là ở khu vực miền Nam và Tây Nguyên. Có 6 tỉnh, thành phố (TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Phú Yên) đã ghi nhận các trường hợp nhiễm virut Zika. Vì lượng muỗi vằn lưu hành thường xuyên với mật độ cao ở các khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên nên sẽ gia tăng nguy cơ lây truyền dịch bệnh Zika rất lớn.

Theo cảnh báo của các chuyên gia, người nhiễm virut Zika thường không rõ triệu chứng hoặc biểu hiện bệnh nhẹ nên khó dự phòng muỗi đốt lây truyền virut Zika sang người lành. Khoảng 60 - 80% các trường hợp nhiễm virut Zika không có dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng. Bên cạnh đó, người nhiễm virut Zika thường không rõ triệu chứng hoặc biểu hiện bệnh rất nhẹ nên người dân còn chủ quan trong việc dự phòng muỗi đốt lây truyền virut Zika sang người lành.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng cho biết, một số dấu hiệu biểu hiện nghi ngờ nhiễm virut Zika ở người dân nói chung và bà bầu nói riêng, bao gồm: Phát ban trên da, sốt (thường sốt nhẹ), viêm kết mạc mắt không mủ, đau khớp, phù quanh khớp, đau cơ. Các biểu hiện triệu chứng thường kéo dài từ 2 - 7 ngày. Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ có thai nên chủ động đi đăng ký theo dõi thai sản sớm để được khám, theo dõi sức khỏe định kỳ kể cả thai phụ và thai nhi. Nếu có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh, hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn sức khỏe. Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị người dân có ý thức hợp tác phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh do virut Zika.

Nguyên Anh

5 vị trí không ngờ có thể bị ung thư da

Nhắc đến ung thư da, bạn thường nghĩ nguyên nhân do tiếp xúc và tổn thương do ánh nắng mặt trời. Phần lớn các trường hợp ung thư da thực sự có liên quan đến phơi nhiễm kéo dài hoặc nghiêm trọng với ánh sáng tia cực tím. Nhưng không phải tất cả các trường hợp đều như vậy. Các yếu tố khác ảnh hưởng tới nguy cơ ung thư da bao gồm chủng tộc, di truyền, số nốt ruồi, chức năng hệ miễn dịch, phơi nhiễm với bức xạ và các thuốc cũng như một số chất. Kết quả là ung thư da có thể xuất hiện ở những nơi bạn không ngờ tới.

1. Phía sau tai

Tai là vị trí phổ biến hàng thứ 3 trên cơ thể có thể bị ung thư da tế bào đáy. Bên cạnh việc vệ sinh sạch sẽ phía sau tai, bạn cũng cần quan sát vị trí này. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng phía sau tai là nơi phổ biến hàng thứ hai trên tai có thể xuất hiện ung thư da. Vì vậy hãy dùng một chiếc gương hoặc nhờ ai đó giúp kiểm tra vị trí ung thư da không ngờ này.

vị trí có thể gây ung thư

2. Giữa mông

Ung thư da có thể xảy ra ở giữa mông. Bên cạnh các loại ung thư da phổ biến như tế bào đáy, tế bào gai và u hắc tố, những loại ung thư da ít phổ biến hơn có thể xuất hiện ở khu vực này. Vì vậy, hãy chú ý tới toàn bộ cơ thể, thậm chí nếu cần có thể sử dụng gương cầm tay. Và không bỏ qua các triệu chứng như ngứa vùng giữa mông. Các dạng ung thư da không phổ biến khác có thể bắt đầu theo cách đó.

3. Trên màng nhầy

Ung thư tế bào vảy và u hắc tố có thể xuất hiện trên màng nhày của cơ thể bao gồm môi, trong miệng, mũi và các mô sinh dục. Ung thư tế bào vảy có thể trông giống như một vết loét hở, mảng cứng hoặc phát triển đến mức có thể gây chảy máu. Và mặc dù bất cứ ai cũng có thể bị u hắc tố ở những khu vực này, bệnh ảnh hưởng phổ biến nhất trên màng nhày của những người có nhiều sắc tố da tối màu.

4. Giữa các ngón chân

Nếu bạn thích chăm sóc móng chân, khu vực giữa các ngón chân (kẽ chân) có thể thân thuộc với bạn. Bạn nên thường xuyên kiểm tra kẽ chân và không phải chỉ để làm sạch chúng. Bạn cần nhận biết những thay đổi bất thường. Chú ý đến những đốm đen, vết loét không liền hoặc các tổn thương khác trên khu vực này.

5. Trên gan bàn chân, lòng bàn tay và móng tay

U hắc tố xuất hiện trên gan bàn chân hoặc lòng bàn tay được gọi là u hắc tố dạng nốt ruồi son ở ngọn chi. Loại này cũng bao gồm u hắc tố màng nhày và móng tay. Mặc dù u hắc tố thường xảy ra ở người da trắng hơn so với người da đen, khi người da đen bị u hắc tố, phần lớn các trường hợp là u dạng nốt ruồi son ở ngọn chi. Và 35-90% xuất hiện trên bàn chân hoặc duy nhất ở gan chân.

BS Tuyết Mai (Theo Healthgrades)

Bệnh nhiễm khuẩn: đa số trẻ em mắc phải

Dịch bệnh mùa hè trở nên nóng hơn bao giờ hết khi hầu hết các bệnh viện trong cả nước đều quá tải với số bệnh nhân nhi tăng. Trong đó, bệnh nhiễm khuẩn chiếm đa số.

Trẻ bệnh là do… cha mẹ

Theo WHO, tỉ lệ trẻ bị bệnh nhiễm khuẩn đa phần tập trung ở các nước đang phát triển. Riêng tại Việt Nam, số bệnh nhân nhập viện do bệnh nhiễm khuẩn tăng cao đột biến trong mùa hè nắng nóng và chiếm đa số là trẻ em.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm (BV Nhi Đồng I TP.HCM) thì trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn cao vào mùa hè là do các em không được vệ sinh đúng phương pháp trong khi thời tiết quá nóng, thêm vào đó là thức ăn bảo quản không kỹ lưỡng và lịch sinh hoạt, vui chơi dày đặc, trẻ cũng mệt mỏi, từ đó giảm sức đề kháng. Bác sĩ Khanh cũng lưu ý thêm: “Bệnh mùa hè không đùa được. Trẻ bệnh nhẹ thì dăm ngày, một tuần sẽ khỏi, không may bệnh nặng thì rất dễ để lại biến chứng mãn tính rất nguy hiểm. Việc trẻ có tránh được bệnh hay không hoàn toàn phụ thuộc vào các bậc cha mẹ. Hơn ai hết, họ phải có ý thức bảo vệ con mình”.

 

Bệnh nhiễm khuẩn: đa số trẻ em mắc phải 1Phụ huynh nên tập cho trẻ thói quen giữ vệ sinh cơ thể, tắm rửa sạch sẽ bằng sữa tắm diệt khuẩn để phòng ngừa bệnh.


“Ổ bệnh” ngay trên cơ thể

Nhiều người thắc mắc, mình chăm con cũng khá kỹ, luôn cảnh giác khi cho trẻ ra ngoài chơi, trang bị dụng cụ “bảo hộ” đầy đủ mà trẻ vẫn mắc bệnh. Thật ra, ổ bệnh mà bạn nghĩ xa vời lại nằm ngay trên chính cơ thể bạn và trẻ. Trung bình, bàn tay của một người có thể chứa hàng triệu mầm bệnh. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người, đặc biệt là trẻ em, dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn qua đường hô hấp, tiêu hóa như: tả, lỵ, nhiễm giun sán, nhiễm cúm, tay chân miệng, dịch tiêu chảy cấp do virus Rota…

Do đó, không phải ngẫu nhiên mà tổ chức WHO lại khuyến cáo nên tập cho trẻ thói quen giữ vệ sinh cơ thể, tắm rửa sạch sẽ bằng sữa tắm diệt khuẩn bởi đây là cách phòng ngừa bệnh đơn giản, an toàn và hiệu quả nhất hiện nay. Việc rửa tay ngay khi trông chúng có vẻ “sạch sẽ” nhất bằng nước rửa tay diệt khuẩn cũng cần được thực hiện khoa học: trước, sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi; trước khi nấu ăn, trước khi chăm sóc trẻ... Việc tắm bằng sữa tắm diệt khuẩn cũng cần được thực hiện nghiêm túc.

T.H

Ngăn ngừa bệnh nhiễm khuẩn với Lifebuoy:

Bệnh nhiễm khuẩn: đa số trẻ em mắc phải 2

Ngoài xà phòng diệt khuẩn, Lifebuoy còn có các sản phẩm đa dạng như sữa tắm, nước rửa tay với nhiều mùi hương dễ chịu, phù hợp cho gia đình. Các sản phẩm vệ sinh diệt khuẩn của Lifebuoy được chứng nhận về khả năng tiêu diệt hiệu quả vi khuẩn gây bệnh. Nhãn hàng cũng đi đầu trong các chiến dịch nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á và châu Phi.



4 cách làm sạch hóa chất độc hại trong rau quả

Ngày nay, việc sử dụng tràn lan các loại hoá chất trong nông nghiệp đã để lại dư lượng hoá chất độc hại trên các loại rau quả thiết yếu. Dư lượng của các loại hóa chất này gây ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ con người về trước mắt cũng như lâu dài. Làm thế nào để hạn chế tồn dư hóa chất độc hại trong rau quả?

Để nhận biết các loại rau quả nhiễm các hoá chất độc hại bằng mắt thường thì chỉ những người có chuyên môn trong ngành bảo vệ thực vật (BVTV) và các nhà dinh dưỡng có kinh nghiệm mới có thể nhận biết được.

4 cách làm sạch hóa chất độc hại trong rau quả

Nên rửa rau quả nhiều lần dưới vòi nước sạch. Ảnh minh họa

Ví dụ như rau quá xanh hoặc xanh đen là rau nhiễm độc đạm nitorat (NO3), giá đỗ có mầm to mập, không rễ là do dùng hóa chất độc hại khi ngâm ủ... Riêng các loại hoá chất BVTV (thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ cỏ...), hàm lượng kim loại nặng, dư lượng của đạm nitorat, vi sinh vật gây bệnh thì phải qua phân tích bằng các thiết bị hiện đại mới phát hiện được.

Vì vậy để hạn chế tác hại của các loại hoá chất nông nghiệp độc hại trong rau quả thì người tiêu dùng cần tuân thủ các yêu cầu sau:

Chỉ nên mua rau quả ở những nơi bán có uy tín, rau quả phải còn tươi ngon, không bị dập nát, hư thối. Không nên mua các loại rau quá xanh mướt, đây là loại rau bón quá nhiều phân đạm hoặc phân bón qua lá. Khi sử dụng, sau khi loại bỏ rễ và lá vàng úa cần ngâm rau quả trong nước sạch, nước muối loãng hoặc dung dịch thuốc tím 1%. Rửa rau quả trong vòng 25 - 30 phút sau đó rửa lại nhiều lần bằng nước sạch. Khi xào nấu nên mở vung cho các loại hoá chất BVTV còn tồn dư bay bớt ra ngoài vì đa số các loại thuốc trừ sâu, bệnh, thuốc trừ cỏ... bị phân huỷ một phần ở nhiệt độ cao.

Nên nấu kỹ rau quả nhằm tăng độ an toàn. Đối với các loại rau gia vị và rau sống (xà lách, mùi, tía tô...) cần rửa kỹ dưới vòi nước chảy và ngâm trong nước muối loãng trong vòng 30 - 40 phút. Chú ý không nên ngâm quá lâu vì các chất vitamin và các chất dinh dưỡng có thể thẩm thấu qua màng tế bào tan vào trong nước.

Hạn chế sử dụng các loại rau quả trái mùa, không nên mua các loại rau quả có bề mặt bóng mượt, các loại quả trái mùa có cuống còn tươi vì đó là các loại rau quả không an toàn do sử dụng các hoá chất BVTV có độ độc cao để bảo quản và phòng trừ sâu bệnh. Cần rửa sạch cuống quả vì đây là nơi tích trữ vi khuẩn và hoá chất độc hại.

Lưu ý, các loại nước rửa rau quả có bán trên thị trường hiện nay, nước muối, dung dịch thuốc tím loãng chỉ loại bỏ được một phần các vi khuẩn gây bệnh và nấm mốc có bám trên bề mặt rau quả. Chúng không thể loại bỏ hoàn toàn các loại thuốc BVTV, kim loại nặng, đạm nitorat như trong quảng cáo.

Phạm Văn Phú

Bệnh Thalassemia và những nguyên tắc vàng cần nhớ

Do tính chất nghiêm trọng của bệnh Thalassemia (còn gọi là tan máu bẩm sinh – TMBS) mà GS.TS. Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Chủ tịch hội Tan máu bẩm sinh Việt Nam đã ví bệnh như “quả bom nguyên tử đã nổ ở Việt Nam”. Đặc biệt, để duy trì sự sống, bệnh nhân cần phải “nằm lòng” những nguyên tắc vàng trong việc tuân thủ phác đồ điều trị nghiêm ngặt từ bác sĩ cũng như có một chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Tuân thủ phác đồ điều trị

Theo một nghiên cứu của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương công bố, tỉ lệ điều trị đúng hẹn năm 2014 của bệnh nhân TMBS chỉ là 42%, việc tuân thủ điều trị này chỉ mang tính tương đối. Có nghĩa là có tới 58% bệnh nhân không tuân thủ điều trị. Điều này làm gia tăng số bệnh nhân Thalassemia bị loãng xương, xơ gan, suy tim… Đây chính là những rào cản lớn hòa nhập với cuộc sống thường ngày, thậm chí là hủy hoại cả mạng sống người bệnh.

Trẻ em Thalassemia gắn với việc truyền máu - thải sắt suốt đời. Ảnh: Trương Ngọc Sơn

Theo ThS.BS.Phạm Quý Trọng, nguyên giảng viên Bộ môn Huyết học - Đại học Y Dược TP.HCM: truyền máu và thải sắt thường xuyên gần như là “chuyện thường ngày ở huyện” của bệnh nhân TMBS. Do biểu hiện của bệnh TMBS là thiếu máu, việc điều trị chủ yếu là truyền máu nhưng thực tế, nhiều gia đình và bản thân người bệnh chủ quan, cứ truyền máu xong là về. Trong khi đó, bên cạnh truyền máu, người bệnh cần được theo dõi và điều trị tình trạng thải sắt ứ đọng trong cơ thể. Nguyên nhân là do sau khi truyền 10 - 20 đơn vị máu, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng thừa sắt. Khi lượng sắt quá tải (vượt 1.000ng/ml), bệnh nhân sẽ có nguy cơ biến chứng nội tiết, tổn thương gan, biến chứng xương, tim mạch, biến dạng ngoại hình khiến người bệnh thiếu tự tin, ngại giao tiếp; người bệnh bị thiếu cân, thiếu máu nặng; tuổi thọ và chất lượng sống của người bệnh thấp.

Cần chú ý các bệnh nhi TMBS thường thiếu chất sắt nên chậm phát triển về cả thể chất và tinh thần, nên các cháu cần được đưa đến khám bệnh tại bác sĩ khoa nhi hoặc dinh dưỡng để được tư vấn chế độ dinh dưỡng thích hợp cho từng đối tượng. Làm được điều đó, các cháu sau này sẽ không bị các chứng bệnh như là: loãng xương hoặc rối loạn về nội tiết hoặc chậm phát triển về tinh thần. - ThS.BS. Phạm Quý Trọng.

“Vì vậy, cần phải tuân thủ theo phác đồ điều trị nghiêm ngặt từ bác sĩ để duy trì sự sống”, ThS.BS. Phạm Quý Trọng nhấn mạnh. Tuy nhiên, để việc điều trị bệnh có hiệu quả, người bệnh cần phải chọn những nơi điều trị bệnh có điều kiện phù hợp từ: đội ngũ bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực, đến trang thiết bị y tế đầy đủ. Hiện, tại Việt Nam, một số cơ sở y tế chuyên khoa điều trị tốt bệnh TMBS có thể kể đến: Bệnh viện Bạch Mai, Viện huyết học truyền máu Trung ương (tại Hà Nội), Bệnh viện Truyền máu - Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy (tại TP.HCM).

Xây dựng chế độ dinh dưỡng hiệu quả

Phân tích từ ThS.BS. Phạm Quý Trọng cho thấy, TMBS là bệnh lý di truyền do sự thiếu hụt tổng hợp một chuỗi globin trong huyết sắt tố của hồng cầu. Thành phần chính của hồng cầu là huyết sắc tố, huyết sắc tố bình thường gồm hai chuỗi globin a và 2 chuỗi globin b với tỉ lệ 1/1. Khi thiếu hụt một trong hai chuỗi trên sẽ làm thiếu huyết sắc tố A, làm thay đổi đặc tính của hồng cầu, làm hồng cầu dễ vỡ, quá trình tan máu hay vỡ hồng cầu diễn ra liên tục trong suốt cuộc đời người bệnh. TMBS gây ra 2 hậu quả chính là thiếu máu mãn tính và ứ đọng sắt trong cơ thể.

Người bị TMBS có sức đề kháng kém hơn do phải đối phó với tình trạng oxy hóa sắt và tình trạng thiếu máu do vỡ hồng cầu. Vì thế, cần có một chế độ ăn giàu dinh dưỡng và cân bằng để bổ sung cho việc tạo hồng cầu mới và tăng cường sức đề kháng.

Theo lời khuyên từ các chuyên gia, trong quá trình điều trị, người mắc bệnh luôn phải tuân theo những nguyên tắc nhất định, đặc biệt là cần tránh xa những thức ăn có chứa nhiều sắt, cụ thể:

Nhóm đạm: nên ăn những loại thịt ít sắt: gia cầm. Không chọn ăn các loại thịt nhiều sắt: thịt bò, gan, tim, tiết canh… Tăng cường uống sữa và các sản phẩm từ sữa. Không ăn nhiều lòng đỏ trứng gà.

Nhóm đường bột: hạn chế các loại ngũ cốc sấy khô.

Nhóm rau quả và trái cây: Không nên ăn các loại củ và trái cây phơi khô/sấy khô vì hàm lượng sắt cao.

Một bữa ăn hiệu quả dành cho người mắc bệnh tan máu bẩm sinh sẽ cần có sự cân giữa các yếu tố “bữa ăn cân đối, đủ chất, ít chất sắt, nhiều canxi”, ThS.BS. Phạm Quý Trọng cho hay.

Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng lưu ý nhiều người thường có thói quen thấy thiếu máu là uống viên sắt vô. Tuy nhiên, đối với những đối tượng mắc bệnh TMBS cần hết sức cẩn thận, không uống thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ đồng thời tránh tạo sự tăng hấp thu máu ở đường ruột bằng các loại thức ăn có nhiều chất sắt như: lòng heo, gan rau muống hoặc các loại có màu xanh đậm, các loại thực phẩm để khô, trái cây phơi khô hoặc thức ăn hữu cơ sấy khô lại. Riêng đối với trẻ em, cần khuyến khích ăn thêm những thực phẩm giàu đạm như: tôm, cá… để bù lại các thức ăn, yếu tố vi lượng hằng ngày của các cháu và tránh ăn sò huyết.

Nếu ghi nhớ những nguyên tắc vàng kể trên, những người mắc bệnh TMBS vẫn có thể duy trì được cuộc sống bình thường. Và mơ ước này cũng chính là mục đích của cả cộng đồng trong cuộc chiến lâu dài phòng chống căn bệnh nguy hiểm này.

AN PHƯỢNG

Ho kéo dài ở trẻ em

Trong khi ho cấp tính ở trẻ em thường do nhiễm siêu vi đường hô hấp, thì ho kéo dài được định nghĩa là ho liên tục trên 4 tuần, có nhiều nguyên nhân khác nhau và đôi khi có thể trầm trọng. Điều quan trọng đối với ho kéo dài là phải tìm được nguyên nhân và điều trị thích hợp, tuyệt đối không được dùng các thuốc ức chế ho một cách tùy tiện .

Nguyên nhân ho kéo dài ?

Có nhiều nguyên nhân gây ho kéo dài. Tính chất ho có thể gợi ý một số nguyên nhân như: ho có đờm (ho dị ứng, hen…), ho cơn đỏ mặt ( ho gà, dị vật đường thở, ho do tác nhân Mycoplasma, Chlamydia…), ho về đêm (viêm mũi xoang, hen…), ho sau vận động (hen), không bao giờ ho lúc ngủ  (ho do tâm lý).

Ho kéo dài có thể do nguyên nhân tại phổi (hen, dị vật, lao…) hay do nguyên nhân ngoài phổi (viêm mũi xoang, viêm tai, trào ngược dạ dày thực quản, bệnh lý tim mạch, tác dụng phụ của thuốc nhất là các thuốc tim mạch có tác dụng ức chế men chuyển…).

Ho kéo dài ở trẻ em 1
Khi trẻ bị ho cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị đúng nguyên nhân.

Hội chứng chảy mũi sau

Nguyên nhân thường gặp do viêm mũi dị ứng hay viêm mũi xoang mạn tính. Chảy mũi sau kích thích trực tiếp vào các cảm thụ quan gây ho ở thành sau họng, đồng thời hít chất tiết từ mũi khi nằm có thể gây phản xạ mũi - phế quản dẫn đến ho. Bệnh nhân bên cạnh triệu chứng ho kéo dài còn có triệu chứng ngứa mũi, nghẹt mũi. Do đó cần đến khám chuyên khoa tai - mũi - họng để được điều trị thích hợp như  tránh tác nhân gây dị ứng, uống thuốc chống dị ứng, dùng thuốc chống viêm  dạng xịt…

Phân loại nguyên nhân ho kéo dài theo tuổi

Trẻ nhũ nhi: Trào ngược dạ dày, nhiễm trùng (Tác nhân nhiễm trùng: nhiễm virus hợp bào hô hấp, ho gà, nhiễm Chlamydia, Cytomegalovirus, lao), dị tật bẩm sinh đường hô hấp (dị tật đường dẫn khí, dò khí quản thực quản), tim bẩm sinh, ô nhiễm môi trường (hít khói thuốc lá, bụi bặm), hen phế quản.

Trẻ nhỏ: Tăng mẫn cảm phế quản sau nhiễm, hen phế quản, ô nhiễm môi trường, trào ngược, dị vật.

Trẻ lớn: Hen phế quản- chảy mũi sau, ô nhiễm môi trường, lao, giãn phế quản, ho do tâm lý.

Hen phế quản

Ở trẻ nhũ nhi triệu chứng hen không điển hình, đôi khi khó nhận biết và dễ bị chẩn đoán sót, nghi ngờ trẻ có hen phế quản khi có tiền căn ho và khò khò trên ba lần, trẻ có thể lên cơn ho và khò khè sau khi có những yếu tố khởi phát như: nhiễm siêu vi đường hô hấp, tiếp xúc bụi, khói thuốc lá, chó mèo, vận động... Ở trẻ lớn cơn hen có thể biểu hiện rõ ràng hơn: Trẻ hắt hơi chảy nước mũi sau đó ho và khò khè, trẻ tự nhận biết khi có cơn hen như cảm giác nặng ngực, khó thở, khò khè.

Tuy nhiên có nhiều trẻ không có cơn hen điển hình mà chỉ có biểu hiện duy nhất là ho kéo dài, khi đo chức năng hô hấp phát hiện hội chứng tắc nghẽn hô hấp có đáp ứng với thuốc dãn phế quản. Vì vậy khi ho kéo dài trẻ cần được đến khám tại chuyên khoa Hô hấp, Nhi để điều trị cắt cơn và điều trị phòng ngừa thích hợp, các thuốc giảm ho không điều trị được ho kéo dài do hen phế quản.

Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản

Trào ngược dạ dày - thực quản là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhũ nhi, chiếm khoảng 40-65% ở trẻ khoẻ mạnh, cao nhất ở trẻ 1-4 tháng, tự khỏi sau 12 tháng. Ho kéo dài có thể là biểu hiện duy nhất của trào ngược dạ dày - thực quản, do trẻ hít dịch từ dạ dày  trào lên thực quản vào phổi gây hiện tượng viêm vùng thanh quản và phế quản.

Ở trẻ nhũ nhi bệnh trào ngược dạ dày -  thực quản có thể còn có biểu hiện cơn ngưng thở, nhịp tim chậm, viêm phổi hít tái đi tái lại. Để chẩn đoán xác định cần phải đo độ pH trong thực quản 24 giờ, hoặc siêu âm bụng để tìm dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản.
Ho kéo dài sau nhiễm khuẩn - virut đường hô hấp

Thường có thể chẩn đoán và điều trị nhầm như hen phế quản. Tác nhân gây ho kéo dài có thể do virus hợp bào hô hấp,  Parainfluenzae. Mycoplasma, Chlamydia, ho gà… Cơ chế ho kéo dài là do hiện tượng viêm nhiễm dai dẳng đường hô hấp với sự tăng mẫn cảm phế quản tạm thời sau nhiễm trùng. Bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị gì.

Ho do tâm lý - thói quen

Đây là chẩn đoán loại trừ sau khi đã tìm hết các nguyên nhân khác, thường xảy ra ở trẻ thiếu niên. Ho khan, ho nhiều, tăng lên khi căng thẳng, không ho lúc ngủ hay lúc tập trung làm việc gì thích thú. Có thể kèm theo triệu chứng tic (máy giật ở mặt). Trẻ nên đến khám và điều trị ở chuyên khoa tâm lý.

Làm gì khi trẻ ho kéo dài?

Khi trẻ ho kéo dài nên được khám lâm sàng cẩn thận, hỏi về tiền sử dị ứng, hen phế quản trong gia đình, tiếp xúc với khói thuốc lá, bụi bặm, tiền căn tiếp xúc nguồn lây lao,.. cùng với những chỉ định xét nghiệm thích hợp có thể được chẩn đoán đúng và điều trị thành công trong đa số các trường hợp. Những trường hợp khó khăn, nguyên nhân phức tạp trẻ cần được khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Hô hấp, Nhi.

Trẻ cần được làm các xét nghiệm: Chụp X-Quang phổi, công thức máu; Thử nghiệm lao như: tốc độ lắng máu, IDR tìm phản ứng trong da với lao, tìm vi trùng lao trong đàm hay dịch dạ dày; Chụp hình xoang; Đo chức năng hô hấp; Siêu âm bụng (trẻ nhũ nhi); Xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán tìm vi trùng Mycoplasma, Chlamydia, ho gà; Nội soi phế quản (nghi ngờ dị vật).

(Theo tài liệu của BV Nhi đồng 1- TP. HCM)


Stress khiến viêm khớp dạng thấp trầm trọng thêm

Khám phá nguồn gốc của stress giúp ngăn ngừa tiến triển xấu đi của những cơn đau khớp dạng thấp.

Stress là một phần tất yếu trong cuộc sống thường nhật của mỗi chúng ta, và nó có thể hình thành từ những phiền toái rất nhỏ, như bị kẹt xe khi tham gia giao thông hay phải xếp hàng chờ đợi.

Bất kể là nguyên nhân nào, nếu bị viêm khớp dạng thấp, bạn sẽ nhận thấy rằng, khi mức độ căng thẳng của bạn tăng lên, cơn đau khớp của bạn cũng tăng theo.

Viêm khớp dạng thấp và stress: Định rõ vấn đề

“Dù cho đó là viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp, hay luput, bất kỳ căn bệnh nào cộng với stress cũng có thể làm tình trạng bệnh trở lên tồi tệ hơn”, Richard Roseff, bác sỹ y khoa, chuyên gia viêm khớp dạng thấp tại bệnh viện ở Danbury và Ridgefield, Connecticut nói.

Stress khiến viêm khớp dạng thấp trầm trọng thêm

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng stress có thể đóng một vai trò trong quá trình đau viêm. Viêm trong viêm khớp dạng thấp một phần được gây ra bởi các phân tử được gọi là các cytokine. Các cytokine được giải phóng vì một loạt các lý do, trong đó có stress. Nếu bạn bị stress và giải phóng nhiều các cytokine, bạn sẽ có nguy cơ tiến triển nhanh quá trình viêm đau.

Xác định được nguồn gốc của sự căng thẳng tức là bạn đã giải quyết thỏa đáng được vấn đề. “Stress có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau”, tiến sĩ Roseff nói. “ Một số căng thẳng có thể tự nhiên khỏi, giống như cái chết của người thân – thời gian sẽ làm lắng dịu cảm giác này. Nhưng có những căng thẳng thuộc thể mãn tính, vậy nên chúng ta cần cố gắng nắm chắc được tận gốc vấn đề”.

Một khi tìm ra lý do thực sự cho những căng thẳng này, bạn cần phải đối phó với nó. Dĩ nhiên, không phải mọi căng thẳng đều có thể được loại bỏ dễ dàng. Trong trường hợp này, mục đích đặt ra

Phạm Thảo

(theo Everyday Health)

Tầm soát bệnh tim bẩm sinh nặng ở trẻ sơ sinh

Trong vài năm trở lại đây việc tầm soát tim bẩm sinh bằng siêu âm tim thai ở nước ta đã giúp tiên lượng và tránh được những tử vong đáng tiếc cho trẻ. Nếu phát hiện bệnh tim bẩm sinh sớm, chúng ta có thể điều trị sớm một số bệnh lý giúp cho trẻ qua được cơn nguy kịch. Trong ngày đầu tiên khi sinh, chúng ta có thể dễ dàng nhận biết bằng một dụng cụ đơn giản là kẹp đo bão hòa ôxy. Với trẻ nghi ngờ, chúng ta nên gửi khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch và siêu âm tim. Việc tầm soát bệnh tim bẩm sinh nặng là rất cần thiết.

Kẹp đo bão hòa ôxy

Khi ôxy được hít vào qua phổi sẽ gắn với một thành phần của hồng cầu (hemoglobin). Ôxy khi gắn vào hemoglobin sẽ chạy đến các mô của cơ thể. Bão hòa ôxy với máu động mạch thường có màu đỏ tươi và với máu tĩnh mạch có màu tối hơn. Kẹp đo bão hòa ôxy dựa trên nguyên lý của máy đo quang phổ và lực nẩy của hemoglobin và mạch ngoại vi khi máu chảy qua để xác định độ bão hòa ôxy trong máu. Kẹp đo bão hòa ôxy có thể kẹp ở ngón tay hoặc ở ngón chân. Một số khác thiết kế để cuốn quanh đầu chi. Đầu của kẹp bão hòa ôxy thường có 1 đèn sáng, đầu nhận cảm cho phép đo sự khác biệt giữa hemoglobin giàu ôxy và hemoglobin nghèo ôxy. Khi đo được đèn sẽ hiện sáng. Nếu đo được hemoglobin giàu ôxy đèn sẽ sáng xanh trong khi đó nếu hemoglobin nghèo ôxy thường đèn sẽ đỏ. Đầu nhạy cảm số ở đầu sẽ tính toán sự khác biệt và chuyển thông tin đọc được độ bão hòa ôxy ra máy theo dõi. Hiện nay, hầu hết các máy theo dõi điện tim và áp lực thường có đầu nối với kẹp đo bão hòa ôxy. Kẹp đo bão hòa ôxy là một phương pháp đo đơn giản để phát hiện bệnh tim bẩm sinh nặng.

Ống động mạch ở bệnh tim bẩm sinh nặng.

Ống động mạch ở bệnh tim bẩm sinh nặng

Trước khi sinh, động mạch chủ và động mạch phổi của trẻ chưa sinh thường được nối bằng một mạch máu gọi là ống động mạch. Ống này giúp cho duy trì tuần hoàn ở trẻ đang trong bụng mẹ. Ống này khi sinh ra sẽ dần đóng lại. Nhiều bệnh tim bẩm sinh sống được phụ thuộc vào ống động mạch này khi sinh ra. Một vài trẻ bị bệnh tim bẩm sinh sẽ được cho thuốc để giữ cho ống này không bị đóng lại, thậm trí một số trẻ phải đặt stent để duy trì ống này làm đảm bảo cho trẻ có mức bão hòa ôxy cao hơn.

Bệnh tim bẩm sinh nặng

Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh nặng có nguy cơ tử vong cao nếu chúng ta chậm trễ trong chẩn đoán và chuyển bệnh nhân đến các trung tâm tim bẩm sinh có kinh nghiệm để điều trị cho trẻ. Những đứa trẻ bị bệnh tim bẩm sinh nặng thường được phẫu thuật hoặc can thiệp sớm trong năm đầu tiên. Thường khoảng 1/3 trẻ bị tim bẩm sinh nặng cần phải can thiệp ngay trong thời gian này. Những trẻ có bệnh tim bẩm sinh nặng thường có độ bão hòa ôxy thấp và có thể dễ dàng phát hiện qua kẹp đo bão hòa ôxy. Với trẻ có bão hòa ôxy thấp nên được tầm soát bệnh tim mạch ngay trong 1-2 ngày đầu. Trẻ mới sinh với bệnh tim bẩm sinh nặng thường có nguy cơ cao tử vong nếu không được chẩn đoán sớm ngay khi sinh.

Có 7 bệnh lý tim bẩm sinh nặng thường gặp nên được tầm soát sau khi sinh bao gồm: hội chứng thiểu sản thất trái; thiểu sản động mạch phổi; tứ chứng Fallot; bất thường hoàn toàn đổ về của tĩnh mạch phổi; đảo gốc động mạch; thiểu sản van ba lá; thân chung động mạch.

Nếu không được tầm soát đúng đắn, trẻ mắc tim bẩm sinh nặng thường tử vong sau khi sinh. Nếu độ bão hòa ôxy thấp, chúng ta nên tầm soát bệnh tim bẩm sinh sớm 24 giờ ngay khi sau sinh hoặc trước khi cho trẻ mới sinh ra viện.

Khi nào phải chuyển trẻ đến khám chuyên khoa?

Thường khi đo độ bão hòa ôxy qua kẹp bão hòa ôxy ở trẻ bình thường là 100%. Nếu đo độ bão hòa ôxy dưới 90% thường được gọi là dương tính. Nếu độ bão hòa ôxy dưới 95% hoặc khác biệt giữa tay phải và chân là trên 4% là ngưỡng của độ bão hòa ôxy thấp. Bất cứ trẻ nào có độ bão hòa ôxy thấp cũng nên được chẩn đoán bằng siêu âm tim. Một khi đã biết trẻ bị bệnh tim bẩm sinh nặng thì nên được tiếp nhận theo dõi đặc biệt và điều trị để ngăn chặn tử vong hoặc tàn tật sớm ở trẻ.

Tuy nhiên đo bão hòa ôxy bằng kẹp đo không có nghĩa là sẽ phát hiện được tất cả các bệnh tim bẩm sinh nặng, nó vẫn có thể có những bệnh tim bẩm sinh nặng mà bão hòa ôxy gần như bình thường. Khám tổng thể có thể phát hiện ra được bệnh tim bẩm sinh nặng trước khi có hạ ôxy máu. Bố mẹ trẻ nên biết được các dấu hiệu và triệu chứng của tim bẩm sinh nếu không đo bằng kẹp bão hòa ôxy. Các dấu hiệu này thường là trẻ hay có tím môi và đầu chi, trẻ hay quấy khóc. Phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh nặng sẽ giúp chúng ta cơ hội và kế hoạch tương lai xử lý cho trẻ.

TS.BS. Phạm Như Hùng

((Tổng thư ký Hội Tim mạch học can thiệp))

Giảm tiểu cầu sơ sinh

Giảm tiểu cầu là một bệnh lý chảy máu thường gặp của sơ sinh, đặc biệt là sơ sinh bệnh lý. Tần suất giảm tiểu cầu trong dân số sơ sinh trung bình 1 - 5%. Hậu quả nặng nhất là xuất huyết nội sọ có thể để lại di chứng thần kinh lâu dài cho trẻ. Nguyên nhân thực tế thường gặp là trẻ sinh non, nhẹ cân, trẻ sinh ngạt, trẻ nhiễm trùng sơ sinh và những trẻ có nhiễm trùng bào thai như: mẹ nhiễm rubella, mẹ nhiễm Cytomega virút...

Bài viết này giúp cho các bà mẹ mang thai hay những bà mẹ dự định sinh bé có những thông tin để hiểu rõ bệnh lý giảm tiểu cầu ảnh hưởng hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội, một khi không có sự chăm sóc tiền sản đầy đủ, các bệnh lý nhiễm trùng không được điều trị dứt điểm hay không có sự tiêm phòng.

Tại sao có giảm tiểu cầu sơ sinh?

Tiểu cầu là một trong những thành phần của máu cùng với bạch cầu và hồng cầu đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu và chảy máu. Tiểu cầu được tạo thành từ tủy xương tương tự như các tế bào khác trong máu, như bạch cầu và hồng cầu. Tiểu cầu có nguồn gốc từ các tế bào nhân khổng lồ, là những tế bào lớn được tìm thấy trong tủy xương. Những mảnh vỡ của các tế bào nhân khổng lồ này được giải phóng vào máu và thành tiểu cầu. Tiểu cầu lưu thông chiếm khoảng 2/3 lượng tiểu cầu được giải phóng từ tủy xương, 1/3 còn lại được lưu trữ (cô lập) trong lá lách. Số lượng tiểu cầu trong máu được gọi là số lượng tiểu cầu, bình thường là từ 150.000 - 450.000 trong một microlit máu (một phần triệu lít). Lượng tiểu cầu nhỏ hơn 150.000 gọi là giảm tiểu cầu.

Một khi có một bất thường ở tủy xương, khả năng bị tiêu hủy hay tăng quá mức tiêu thụ tiểu cầu và tăng sự cô lập trong lách đều dẫn đến giảm tiểu cầu.

Giảm tiểu cầu sơ sinh 1
Phụ nữ cần tiêm ngừa các bệnh lý nhiễm  trùng, nhiễm virút trước khi mang thai

Nguyên nhân thường gặp

Giảm sản xuất tiểu cầu thường liên quan đến một vấn đề tủy xương (chứng mất bạch cầu hạt). Hầu hết trong các trường hợp này thì hồng cầu và bạch cầu cũng bị ảnh hưởng. Nhiễm virút ảnh hưởng đến tủy xương cho thai nhi gặp trong lúc mang thai trong những tháng đầu thai kỳ mẹ bị nhiễm: rubella, quai bị, trái rạ (thủy đậu), viêm gan C, Epstein-Barr virút và HIV. Ngoài ra, trong giai đoạn mang thai mẹ uống thuốc Chloramphenicol, thiếu vitamin B12, thiếu sắt, thiếu acid folic, mẹ nghiện thuốc lá.

Tăng phá hủy hoặc tiêu thụ tiểu cầu có thể được tìm thấy trong một số trường hợp như một số loại thuốc gây ra phản ứng miễn dịch chống lại tiểu cầu do mẹ uống thường xuyên trong lúc mang thai: kháng sinh sulfanamide, digoxin, quinine, rifampin...

Nhiễm trùng nặng sơ sinh (nhiễm trùng huyết), nhiễm trùng ối, sinh ngạt hoặc chấn thương trong quá trình sinh, đôi khi có thể gây ra sự tiêu hao làm giảm tiểu cầu. Đặc biệt, trẻ sinh non tháng do thiếu hụt các yếu tố đông máu và lượng prothrompin thấp gây ra tình trạng xuất huyết các phủ tạng, điều này làm giảm sự tiêu hao tiểu cầu, sinh non gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm phổi và viêm ruột hoại tử gây ra giảm tiểu cầu trầm trọng.

Dấu hiệu nhận biết

Các dấu hiệu trong giảm tiểu cầu ở mức độ nhẹ thường ít có biểu hiện. Thường xảy ra sau 3 ngày tuổi, đa số triệu chứng ban đầu của trẻ là nhiễm trùng sơ sinh hay liên quan đến viêm ruột hoại tử, trẻ sinh ngạt, đa hồng cầu, tim bẩm sinh, u nguyên bào thần kinh. Dấu hiệu xuất huyết, thường mức độ nhẹ như chấm xuất huyết trên da thành từng mảng toàn thân hay nốt bầm tím, mức độ nặng như xuất huyết nội sọ, xuất huyết nội tạng: xuất huyết phổi, thượng thận… Kèm theo gan to, lách to.

Ngoài triệu chứng giảm tiểu cầu, còn kèm theo thiếu máu, khi lượng hemoglobin dưới 13g/dl. Thay đổi hình dạng hồng cầu, bạch cầu trên phết máu ngoại biên. Mức độ giảm số lượng tiểu cầu có tỉ lệ thuận với mức độ xuất huyết. Mức độ xuất huyết xảy ra khi lượng tiểu cầu giảm dưới 60.000 trong một microlit máu.

Điều trị

Đây là một bệnh lý rối loạn chảy máu gặp ở trẻ sơ sinh. Việc điều trị cơ bản là nâng số lượng tiểu cầu lên, bằng cách truyền tiểu cầu đậm đặc, song song đó là điều trị tích cực bệnh lý nhiễm trùng. Trong một số trường hợp có chỉ định dùng corticoid có liên quan đến cơ chế miễn dịch.

Thực tế, tỉ lệ tiểu cầu được nâng lên sau khi truyền 1 lần tiểu cầu đạt hiệu quả: 92 - 95%, đồng thời phối hợp với điều trị bệnh lý nền. Theo một số chuyên gia khẳng định, mặc dù những trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng cần được truyền tiểu cầu nhiều hơn, nhưng tiểu cầu có thể hồi phục lại qua 5 - 7 ngày khi nhiễm trùng sơ sinh hoặc viêm ruột hoại tử đã được giải quyết.

Theo dõi sát trong quá trình chuyển dạ sinh, cần can thiệp đúng lúc, khi cuộc chuyển dạ có dấu hiệu bất thường, nhịp tim thai dao động. Tránh để có xảy ra ngạt cho trẻ.

BS. NGUYỄN THUẬN HẢI

Lời khuyên của thầy thuốc

Để dự phòng giảm tiểu cầu sơ sinh, người mẹ trong quá trình mang thai không nên sử dụng bất kỳ các loại thuốc nào mà có nguy cơ ảnh hưởng đến bào thai, cần phải thực hiện tốt theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa; tiêm ngừa các bệnh lý nhiễm trùng, nhiễm virút, như: Rubella, viêm gan siêu vi B, điều trị tốt các bệnh lý nhiễm trùng khác trước khi mang thai. Những bà mẹ có tiền căn sinh non, cần có chế độ nghỉ ngơi đặc biệt, khi có dấu hiệu bất thường cần điều trị sớm.


Phòng viêm họng ở trẻ em

Hỏi: Con tôi năm nay 5 tuổi, thường bị viêm họng, đi khám bác sĩ, điều trị vài ngày thì khỏi, sau đó lại bị tái lại. Vậy tôi xin hỏi, làm cách nào để phòng bệnh cho cháu?

(Lưu Trần Bích L. - Đồng Nai)

Trả lời: Ở điều kiện sinh lý bình thường, họng là ngã tư của đường ăn và đường thở, nối liền mũi ở phía trên, miệng ở phía trước với thanh quản và thực quản ở phía dưới, giống như một cái phễu phần trên loe rộng, phần dưới thu hẹp, thành họng được cấu trúc bởi lớp cân, cơ, niêm mạc. Họng có các tổ chức lympho tạo thành một vòng bao quanh gọi là vòng Waldeyer, với chức năng là sinh ra các kháng thể để bảo vệ cơ thể, giống như cấu trúc của hạch bạch huyết, mà các nhà khoa học gọi là amidan. Họng với nhiều chức năng sinh lý khác nhau như: nuốt, thở, phát âm, vị giác… là ngã tư giữa đường ăn và đường thở, là cửa ngõ của không khí, thức ăn và nước uống, cho nên là nơi rất thuận lợi cho virút, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể để gây bệnh, đặc biệt là viêm họng ở trẻ em, bệnh chiếm tỉ lệ hàng đầu trong số lần khám tại các phòng khám nhi khoa.

Về nguyên nhân, viêm họng cấp tính là loại bệnh khá phổ biến, thường xuất hiện do vi khuẩn như: phế cầu, liên cầu hoặc các vi khuẩn khác sẵn có ở họng hay virút gây nên như: virút cúm, sởi…

Phòng viêm họng ở trẻ em

Về phòng bệnh, trước hết bạn cần vệ sinh họng, răng, miệng cho bé hằng ngày như đánh răng, súc họng bằng nước muối loãng; khi mắc bệnh răng, miệng, xoang, mũi... Cần được điều trị dứt điểm tránh để mầm bệnh tồn tại và lây lan vào gây viêm họng. Khi viêm họng có chỉ định điều trị, cần thực hiện nghiêm túc, uống thuốc theo toa, đúng phác đồ kháng sinh được kê toa, uống đúng thuốc, đủ liều, đúng thời gian. Không được tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị vì điều trị không đúng sẽ để lại tình trạng kháng thuốc, làm cho điều trị sau này gặp nhiều khó khăn do tình trạng kháng thuốc. Cần đeo khẩu trang cho bé khi ra đường để tránh khói - bụi. Tránh cho bé uốngnước quá lạnh hoặc quá nóng hay có thói quen ngậm kẹo, hay ăn kem; với phòng ngủ cần thoáng mát, nếu có điều hòa nhiệt độ cần giữ ở mức nhiệt độ mát mẻ dễ chịu, nhiệt độ lý tưởng cho bé là khoảng 24 - 260C. Nếu sử dụng quạt, nên cho bé nằm quạt tốc độ lớn trong thời gian ngắn giúp bé dễ ngủ, sau đó giảm dần cường độ, quạt phải luôn được quay thay đổi hướng gió. Tập cho bé thói quen uống nhiều nước, tốt nhất là nước đun sôi để nguội, đánh răng sau mỗi bữa ăn, tập thói quen rửa tay trước khi ăn, và rửa tay sau khi đi vệ sinh. Cần thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng, cân bằng và đủ dưỡng chất. Tránh tập trung nơi đông người khi có dịch bệnh, nhất là bệnh cúm; tránh nơi môi trường bị ô nhiễm, khói bụi…

BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG

Trẻ em dễ bị mù do thiếu vitamin A

Vì vậy, các bậc cha mẹ và mọi người cần biết cách phòng, phát hiện sớm bệnh và xử trí đúng để tránh mù lòa cho trẻ em.

Dấu hiệu giúp phát hiện sớm bệnh là gì?

Biểu hiện sớm nhất của thiếu vitamin A là bệnh quáng gà: vào lúc chập choạng tối, trẻ còn bé có thể hay theo nhầm người khác tưởng là mẹ, trẻ nhỏ đi lại khó khăn, hay va vấp phải các đồ vật trong nhà, hoặc phải lần theo tường để đi. Đối với trẻ lớn hơn thì không dám chạy theo bạn đùa nghịch, thường ngồi yên ở góc nhà hoặc bậc cửa. Trong khi ăn cơm, trẻ thường xúc trượt đĩa thức ăn. Giai đoạn khô kết mạc (hay khô lòng trắng mắt): nếu khỏe mạnh, lòng trắng mắt của trẻ phải ướt đều, bóng láng, trong suốt. Khi bị khô mắt, lòng trắng mắt bị khô, trở nên sần sùi, không còn ướt bóng nữa. Dần dần, lòng trắng mắt của trẻ bị mờ đục, đổi thành màu vàng nhạt hoặc xám nhạt, nhăn nheo. Ở lòng trắng mắt của trẻ xuất hiện những đám bọt xốp màu trắng như bọt xà phòng. Khi đó trẻ hay chớp mắt, hay cụp mắt nhìn xuống khi ra chỗ sáng.

Giai đoạn khô nhuyễn giác mạc (khô lòng đen), ở trẻ khỏe mạnh, lòng đen mắt phải nhẵn bóng, ướt đều, trong suốt, trông đen nhánh. Khi bị khô mắt, lòng đen mắt trở nên mờ đục, sần sùi, trông lờ mờ như tấm kính bị bám hơi nước. Nếu không được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, chỉ trong vài ngày, lòng đen mắt bị nhuyễn nát, loét ra, tạo thành ổ loét có màu vàng bẩn, rồi mắt bị thủng và nhiễm khuẩn. Để đến giai đoạn này mới đưa trẻ đi bệnh viện khám chữa bệnh thì đã muộn, nhất định sẽ để lại sẹo giác mạc gây mù loà, nghiêm trọng hơn có thể phải khoét bỏ con mắt. Ở trẻ bị khô mắt thường kèm theo các bệnh nặng khác như suy dinh dưỡng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá kéo dài, viêm phổi, viêm phế quản, sởi... có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng.

thiếu vitamin ATổn thương loét khô giác mạc do thiếu vitamin A.

Xử trí và chăm sóc khi trẻ bị bệnh ra sao?

Cha mẹ hay người nuôi dưỡng khi thấy trẻ có các triệu chứng kể trên phải nhanh chóng đưa trẻ đi khám bệnh ở cơ sở y tế gần nhất. Khi đã xác định trẻ bị bệnh khô mắt cần cho cho uống ngay vitamin A liều cao 200.000 UI. Trường hợp không có sẵn vitamin A 200.000 UI, có thể cho trẻ uống 4 viên vitamin A 50.000 UI. Đối với vùng sâu vùng xa không thể mua ngay được vitamin A, có thể cho trẻ ăn ngay mỗi ngày từ 1 - 2 lạng gan lợn hoặc gan bò nấu chín. Tốt nhất là cho trẻ vào điều trị ở khoa nhi các bệnh viện để kết hợp điều trị suy dinh dưỡng và các bệnh nhiễm khuẩn khác.

Phòng bệnh thiếu vitamin A cho trẻ em

Phụ nữ khi có thai và trong thời kỳ cho con bú cần được ăn đủ lượng và chất hàng ngày, uống nước nhiều và nghỉ ngơi đầy đủ để đảm bảo con sinh ra được khoẻ mạnh. Chú ý trong thời gian 3 tháng đầu có thai, phụ nữ không được uống vitamin A liều cao vì có thể xảy ra dị dạng bẩm sinh cho thai nhi. Cần nuôi con bằng sữa mẹ ngay từ khi mới đẻ cho đến khi trẻ được 24 tháng tuổi hoặc hơn. Từ tháng thứ 4 trở đi cần cho trẻ ăn dặm để đảm bảo thức ăn cung cấp đủ vitamin A, chất đạm và chất béo cũng như muối khoáng hàng ngày. Vitamin A có nhiều trong các thức ăn có nguồn gốc động vật như gan, lòng đỏ trứng, cá, sữa nhưng có rất ít trong thịt nạc. Chất tiền vitamin A có nhiều trong các loại quả, củ có màu đỏ hoặc màu vàng sẫm như gấc, bí ngô, xoài, hồng, khoai lang nghệ, quả trứng gà…; các loại rau có màu xanh sẫm như rau ngót, rau cải, rau mồng tơi, rau dền, rau đay, rau lang, thì là, súplơ... Khi trẻ từ 6 tháng tuổi trở đi, cần cho trẻ đi uống vitamin A liều cao bổ sung định kỳ 6 tháng/lần theo lịch của cơ quan y tế. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu thiếu vitamin A đầu tiên như quáng gà, khô lòng trắng mắt, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để khám và uống vitamin A kịp thời sẽ phòng tránh mù loà cho trẻ.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, hàng năm có khoảng hơn 3,1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị mắc bệnh khô mắt do thiếu vitamin A, trong đó một nửa triệu trẻ em bị tử vong, hơn nửa triệu trẻ em khác bị mù, đây là một trong 5 nguyên nhân gây mù chủ yếu cho nhân loại. Ở nước ta trước đây, bệnh khô mắt do thiếu vitamin A đã tồn tại dai dẳng và khá trầm trọng. Từ năm 1989, chương trình phòng chống bệnh khô mắt và thiếu vitamin A ở Việt Nam đã được Bộ Y tế triển khai rộng khắp cả nước với sự giúp đỡ của quốc tế bằng biện pháp chủ yếu là cho trẻ uống vitamin A liều cao định kỳ 6 tháng/lần. Sau nhiều năm thực hiện, đến nay, bệnh khô mắt và thiếu vitamin A ở trẻ em Việt Nam đã được đẩy lùi, chỉ còn rải rác ở các vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa.

BS. Đặng Thị Ngọc Ba

Trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần

Bệnh tay chân miệng   (TCM) hiện nay là bệnh rất dễ mắc nhất là trẻ dưới 3 tuổi, gây nhiều tác hại đến đến sức khỏe của trẻ, nhất là những t...